Từng có kinh nghiệm tìm hiểu gần 10 trường mầm non trước khi cho con đi học, MC Minh Trang chia sẻ những thông tin bổ ích.
Tháng 8 cuối hè cũng là thời điểm nhiều cha mẹ kết thúc công cuộc tìm trường cho con để bắt đầu gửi bé vào năm học mới. Tuy nhiên, cũng vẫn có không ít cha mẹ loay hoay giữa muôn vàn lựa chọn. Trường mẫu giáo nào có chương trình giảng dạy hay, cô giáo tốt yêu thương học sinh, trường có gần nhà không, thời gian học liệu có phù hợp cho gia đình đưa đón bé...luôn là hàng tá câu hỏi của cha mẹ khi chọn mẫu giáo cho con.
Từng cho con đi mẫu giáo khi mới 12 tháng tuổi và gây ấn tượng với bài chia sẻ "Cho con đi học sớm chẳng có gì là nhẫn tâm", MC Minh Trang (hiện đang công tác tại kênh VTV4 – Đài truyền hình Việt Nam) sẽ chia sẻ với cha mẹ những kinh nghiệm vô cùng bổ ích của mình.
Nàng MC xinh đẹp đồng thời cũng là một trong những bà mẹ nổi tiếng của đài VTV rất được lòng chị em khi thường xuyên đăng tải trên facebook cá nhân những bài viết về phương pháp nuôi dạy con như một cách chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ của bản thân đến các bà mẹ cùng mối quan tâm.
MC Minh Trang rất được lòng các bà mẹ bỉm sữa nhờ khéo chăm con và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con. |
Với những gì mình quan sát được ở 2 trường mẫu giáo Daisy đã từng học qua, và khoảng hơn 10 trường mình đã tham khảo trong quá trình tìm hiểu trước đó, cộng với quá trình nói chuyện, chia sẻ, tâm sự, tư vấn các kiểu cho các bạn bè, ngay cả những bạn/chị chưa một lần gặp mặt, mình thấy nhà trẻ/mẫu giáo có những nhóm chính sau đây, xếp theo thứ tự (mình cho là) tốt giảm dần:
1. Trường mầm non tư nhân Quốc tế:
- UNIS, Concordia, BVIS, Kinder World, Maple Bear
- Chương trình học theo giáo trình quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, với 2 hình thức lớp hoc: lớp nói tiếng Anh 100% (gọi là lớp quốc tế) và lớp nói tiếng Việt, có thêm nhiều giờ học tiếng Anh hoặc học năng khiếu bằng tiếng Anh (gọi là lớp song ngữ). Giáo viên người nước ngoài 100% (đối với lớp quốc tế) và 30-50% (đối với lớp song ngữ).
- Hoạt động ngoại khóa đa dạng, hấp dẫn, cơ sở vật chất tuyệt vời, nhiều trường có bể bơi riêng, phòng học âm nhạc, phòng học múa, phòng học vẽ riêng.
- Phần lớn các trường này là trường liên cấp (UNIS, Concordia, BVIS...), nên thuận tiện cho việc học trường cùng hệ thống khi con lớn
- Có dịch vụ xe đưa đón, với giá khá cao (khoảng 100-120$/tháng)
- Giá rất cao, tính bằng đơn vị US$1,000. Ví dụ như UNIS: phí nhập học $2,000, học phí 1 năm là khoảng $15,000 (đóng 1 lần cho cả năm), nếu đóng theo quý thì tính thêm 4% lãi suất. BVIS: phí nhập học $2,100, học phí trung bình khoảng $1,000/tháng. Kinder World và Maple Bear có mức học phí thấp hơn, giao động từ $500 ~ $750/tháng. (thông tin tham khảo tháng 7/2014)
- Nhận trẻ từ 9-12 tháng, một số trường nhận trẻ từ 18th. Giờ đón/trả: 7h30-8h30sáng và 3h30-4h30 chiều. Bố mẹ đi làm dến 5h về thì 100% là phải gửi thêm nửa tiếng đến 1 tiếng ngoài giờ, và phải trả thêm tiền trông ngoài giờ tương đương. Ngoài ra, các trường này có bữa sáng, tổng số ngày nghỉ 1 năm khoảng 60 ngày (bao gồm 1 tháng nghỉ hè, 15 ngày nghỉ đông (Giáng Sinh và Tết Tây), 3-5 ngày nghỉ giữa kỳ, rồi nghỉ Tết âm lịch...)
- Tóm lại là những trường thuộc nhóm này thích hợp với các gia đình người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nhân viên Đại sứ quán, các gia đình có mức thu nhập trung bình $3,000~ $5,000/tháng.
Bé Daisy được mẹ cho đi học mẫu giáo từ khi mới 12 tháng tuổi và đã từng học qua 2 trường mẫu giáo. |
2. Trường mầm non tư nhân chất lượng cao
- OHana, SunriseKids, Just Kids, DreamHouse, TinyBee, Queensland, Tomoe...
- Mình không xếp những trường này vào nhóm trường quốc tế, vì ngoại trừ có 1 số buổi học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài và tên trường bằng tiếng Anh, thì những trường này Việt Nam 100% và giảng dạy giáo trình do Sở Giáo dục quy định.
- Giáo trình học tương đối phong phú với các hoạt động vận động kết hợp với học kỹ năng, ngoại khóa, tìm hiểu và làm quen với nghệ thuật. Chương trình học có nhiều cải tiến dựa trên giáo trình quy định, có học tập, sử dụng nhiều chất liệu của các trường quốc tế, giáo trình nước ngoài
-. Tỷ lệ giáo viên trung bình 3 cô/15 cháu (với lớp nhà trẻ) và 2 cô/15 cháu với lớp mẫu giáo.
- Cơ sở vật chất được đầu tư khá tốt, có khu vui chơi trong nhà, phòng sinh hoạt chung của cả trường... Tuy nhiên, các trường phân khúc này ở các quận trung tâm (Hoàn Kiến, Hai Bà Trưng...) thì không được rộng rãi như các trường ở khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình, Trung Hòa Nhân Chính..., mà chủ yếu thuê lại các nhà ống, biệt thự nhỏ, nên lớp xếp tầng, không có sân chơi rộng.
- Học phí khá cao, dao động từ 5 triệu đến 7,5 triệu, phí nhập học khoảng 2triệu đến 3triệu (không hoàn lại). Ngoài ra những trường, tạm gọi là đơn lẻ như Tomoe học phí chỉ khoảng 3-4 triệu cũng chất lượng cao và giáo trình hấp dẫn, nhưng học phí thấp hơn do chưa thành hệ thống, và tiết kiệm chi phí nhân sự, quản lý...so với các trường khác.
- Những ngày nghỉ hè (khoảng 7 ngày/năm), nghỉ Tết (khoảng 10-14 ngày/năm) và các ngày nghỉ lễ khác theo quy định của nhà nước, thì chỉ được trừ tiền ăn (khoảng 50-100k/ngày) chứ không được trừ tiền học. Nhưng bù lại, những trường này do học phí khá cao và là trường tư, nên không nặng nề chuyện quà cáp, biếu xén các cô giáo. Và việc có hay không biếu quà các cô trong các dịp (20/11. 20/10, Tết...) không ảnh hưởng đến việc các cô sẽ chăm sóc tốt/không tốt hoặc yêu/ghét gì con mình cả.
- Trường nhận trẻ từ 12 tháng, có một số trường nhận từ 9 tháng tuổi. Giờ đón: khoảng 7h15 đến 8h15 sáng, giờ trả từ 4h30 đến hết 6h chiều. Sau 6h sẽ tính là trông ngoài giờ. Khung giờ đón trả này rất thuận tiện cho các gia đình bố mẹ làm nhà nước, tư nhân.
3. Trường mầm non công lập phân khúc trên
- Trường mầm non 20/10, Mầm non A, Mầm non B...
- Giáo trình hấp dẫn và nhiều hoạt động tương đương các trường mầm non tư nhân chất lượng cao. Cũng có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh, các hoạt động ngoại khóa, tham quan, làm quen với nghệ thuật, thiên nhiên...phong phú.
- Vị trí đẹp, ở trung tâm thành phố, diện tích rộng, lớp học rộng, khang trang, sân chơi to. Tỷ lệ cô/trẻ khoảng 2/30. Giáo viên chất lượng cao, hầu hết có bằng Đại học, nhiều cô giáo được học nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm, không quá trẻ như giáo viên các trường tư chất lượng cao.
- Học phí theo quy định của Sở Giáo dục Thành Phố (2,5 triệu ~3,5 triệu), nhưng bố mẹ cũng sẵn sàng tinh thần đóng thêm các khoản xây dựng trường, cơ sở vật chất, ngoại khóa phụ thu khác, và rất nên thường xuyên thăm hỏi các cô giáo.
- Xin vào học những trường này cũng không hề đơn giản, thường phải có quan hệ, cộng thêm chi phí, cộng thêm phải đăng ký sớm cả 1 học kỳ hoặc cả năm thì (may ra) mới có chỗ, vì giờ ai cũng có quan hệ, và ai cũng có khả năng đáp ứng các chi phí.
4. Trường mầm non công lập phân khúc dưới
- Các trường như nhóm (3) nhưng nhỏ hơn, nằm sâu trong các khu dân cư, phục vụ các bé đúng tuyến là chủ yếu, với những cái tên cũng rất phổ biến và Việt Nam như: Sơn Ca, Chim Non, Hoa Hồng, Hoa Sen, hoặc tên theo khu vực dân cư.
- Chương trình học bám sát theo quy định của Sở Giáo dục thành phố, nhiều trường có giáo trình cả 10 năm không đổi (nhưng thực ra cũng không sao cả, vì tuổi 1-6 đâu có cần cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật hay phát minh khoa học gì đâu) chủ yếu là phương pháp chuẩn theo quy định và giáo viên cũng được lựa chọn theo tiêu chí của 1 trường công. Các hoạt động ngoại khóa sẽ ít hơn một chút, không có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh, tuy nhiên một số trường vẫn có giờ học tiếng Anh do cô giáo Việt Nam dạy.
- Học phí và các loại phí khác tương đương hoặc thấp hơn các trường nhóm (3).
- Nhập học dễ dàng, đơn giản với các bé đúng tuyến.
- Các trường nhóm (3) và (4) nhận trẻ từ 18 tháng trở lên, và thường sẽ phải nhập học từ đầu năm học/đầu kỳ.
5. Trường mầm non tư thục phân khúc dưới
- Quy mô bằng hoặc bé hơn các trường nhóm (4), một số trường còn chỉ thuê lại 1 tầng của 1 ngôi nhà. Hiệu trưởng có thể là một cán bộ ngành mầm non đã nghỉ hưu, cô giáo có thể là một bác trung niên 40-50 tuổi hoặc một em sinh viên/vừa tốt nghiệp khoảng 20-22 tuổi. Giáo viên có bằng Đại học hoặc Trung cấp it, nhiều khi là một người có kinh nghiệm trông trẻ mà chưa được đào tạo ở trường Đại học/trung cấp về mầm non cũng được thuê dạy. Thường sẽ chỉ có 1 đến 2 lớp trong 1 trường, và khó phân lớp theo lứa tuổi (nghĩa là bé 12 tháng có khi phải học cùng chị 3 tuổi).
- Chương trình vẫn phải bám sát quy định của Sở Giáo dục nhưng chủ yếu sẽ là "dỗ" nhiều hơn "dạy", giờ chơi tự do, xem Tivi sẽ nhiều hơn. Tỷ lệ giáo viên sẽ là 2/20 đến 2/30. Hầu như không có hoạt động ngoại khóa.
- Học phí giao động từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu. Không mất phí nhập học, hầu như không phải đóng thêm khoản phụ thu nào (trừ một số nơi thu một số loại tiền như: tiền điều hòa...)
6. Trông trẻ tư
- Tuổi thơ của những đứa 8x như mình chắc cũng không ít bạn có một vài ký ức về những "nhà trông trẻ tư" như thế. Có thể là bà Xoan đầu ngõ, hoặc bác Hoa ở phố bên cạnh, đẻ 3 đứa con nên nghỉ ở nhà, mở nhà trẻ tư trông thêm 3-4 đứa con hàng xóm... Loại hình trông trẻ tư như vậy vẫn còn, nhưng không nhiều, rải rác ở cả những con phố chính lẫn những khu dân cư ở ngoại thành.
- Phương án này theo mình bần cùng lắm hẵng nên chọn tới và có lẽ chỉ dành cho những gia đình không ở cùng ông bà, không có giúp việc, bố mẹ đi làm cả ngày không thể nghỉ việc ở nhà trông con, không xin được vào trường công và không đủ điều kiện tài chính để đi học trường tư phân khúc dưới.
- Học phí giao động từ 1,5 triệu đến 2 triệu/tháng. Giờ đón trả khá thoải mái, chủ yếu do trao đổi của gia đình với người trông trẻ.
Có thể mình chưa biết hết 100% các trường mầm non ở Hà Nội, nhưng với những gì mình quan sát và biết được, và từ kinh nghiệm bản thân của mình, thì các trường mẫu giáo không hẳn là "Tiền nào của nấy". Không phải cứ trường quốc tế, học phí cao là phù hợp với con mình. Nếu các bạn không xác định cho con học lên tiểu học và phổ thông ở trường quốc tế, thì không cần thiết phải cho con học những trường mẫu giáo quốc tế. Và cũng như vậy, không phải cứ trường tư, học phí cao là tốt hơn trường công đâu nhé, vì họ phải chịu thêm nhiều chi phí về thương hiệu, thuê địa điểm, lương trả cho giáo viên... Vậy nên quá trình tìm hiểu trước khi cho con học là rất rất quan trọng.
Thật sự không có 2 trường nào giống nhau cả. Vì thế mình vẫn luôn khuyên các bố mẹ, khi đã khoanh vùng một số trường khả dĩ và phù hợp rồi, thì nên dành tối thiểu 1 tới 2 buổi hoặc 1-2 ngày tới từng trường để tham quan: Ngồi nói chuyện với hiệu trưởng, hỏi han các giáo viên, quan sát (từ bên ngoài) giờ học, giờ chơi, giờ ngủ, hoặc đến vào giờ đưa/đón trẻ, đừng hỏi chuyện các phụ huynh khác của trường, đến vào giờ ngủ của con, xin được tham quan nhà vệ sinh, khu bếp, khu ăn uống...
Ngoài ra, một nguồn tham khảo và tìm hiểu thông tin rất hữu ích nữa là Google, những forum , hoặc ngay cả facebook, viết 1 vài câu hỏi xin nhận xét của mọi người về những trường đang phân vân.
Chúc may mắn các bố mẹ nhé. Vì quyết định cho con đi học đã khó, chọn được trường ưng ý còn khó hơn. Nhớ nhé: vững tin + sáng suốt + thực tế.
(Theo Khám Phá)