Bạch Dương hẹn tôi ở quán cà phê, gần cổng Đài truyền hình Việt Nam - nơi chị đã gắn bó gần 20 năm và vừa rời xa nó. Xin Bạch Dương 30 phút để trò chuyện nhưng chị nói chừng ấy thời gian không thể đủ so với những gì chị muốn chia sẻ.
Không trang điểm, ăn vận đơn giản, khuôn mặt gầy chuẩn Vline, Bạch Dương khiến người viết bất ngờ bởi hình ảnh khác hẳn khi lên hình. Như đoán được sự ngỡ ngàng của người viết, Bạch Dương bảo: "Em cũng nghĩ chị gọt cằm đúng không? Rồi chị sẽ nói cho em biết".
Cứ thế, Bạch Dương thân mật tới độ người viết nghe như văng vẳng đâu đó nụ cười giòn tan, tự nhiên của chị trong hàng loạt các chương trình chị dẫn như: Vườn cổ tích, Hành trình văn hoá... của nhiều năm về trước.
- Được vào VTV là mơ ước của nhiều người, ngay cả các Hoa hậu hay Á hậu, còn chị lại xin ra. Vì sao vậy?
Đúng! vào VTV là mơ ước của rất nhiều người thật, đặc biệt là của các bạn trẻ. Có khá nhiều người hỏi tôi, đặc biệt các bậc phụ huynh về chuyện làm sao để con em họ vào được VTV.
20 năm trước tôi cũng thế, cũng mong mỏi được vào VTV lắm. Nhưng chỉ là thế thôi, để được làm công việc truyền hình, chứ không phải để vào biên chế. Lý thuyết trong công việc của tôi là cứ làm tốt công việc của mình thì mọi thứ sẽ đến.
Tôi đã làm thế, công việc và đam mê cứ ủn mình đi, ủn mình vào biên chế, rồi ủn lên các vị trí cao hơn ban đầu. Tôi được vào vị trí trưởng phòng từ rất sớm. Tôi cứ hồn nhiên đón nhận, vì mình cứ làm tốt công việc đó thôi.
20 năm trước tôi rất thích công việc làm truyền hình, giờ vẫn thích lắm nhưng giờ thấy điều kiện của mình không còn phù hợp nữa thì tôi bước ra. Đơn giản vậy thôi, không bị ràng buộc bởi biên chế nhà nước.
- 20 năm là quãng thời gian rất dài gắn bó với một công việc. Chị hẳn phải rất trăn trở khi quyết định ra đi?
Đó là một quyết định vô cùng khó khăn. Và tôi đã dùng dằng mất mấy năm liền. Tôi cũng đã chia sẻ rằng kể cả khi mới vào VTV, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng chân tại đây, nói nôm na là kiểu về hưu khi đến tuổi tại VTV.
Và nhiều năm công việc ở VTV cũng giúp mình có một nguồn thu nhập dù không thể làm giàu từ nó. Cái dùng dằng tôi nhiều nhất khi quyết định đi hay ở VTV không phải là biên chế - như có thể một số người nghĩ, mà cái chính là chuẩn bị tinh thần để rời một công việc mà mình đã yêu mến suốt 20 năm trời.
Tôi cũng đã suy nghĩ và phải làm quen với suy nghĩ rằng mình sẽ sống mà thiếu nghề truyền hình, từ bỏ những thói quen và sự theo đuổi suốt 20 năm.
- Chị cũng chia sẻ một trong những nguyên nhân rời VTV là vấn đề sức khỏe và áp lực công việc. Vậy tại sao chị không chọn một phương án như khá nhiều người là chuyển sang một đơn vị khác với một công việc có thể nhẹ nhàng hơn?
Về chuyện này, mỗi người có một suy nghĩ khác. Cũng có thể nói một phần chuyện này do “lỗi” của tôi. Tôi là người cầu toàn, làm gì cũng muốn thật tốt. Làm gì tôi cũng làm hết sức, toàn tâm toàn ý vào nó, do đó mất rất nhiều tâm sức và thời gian.
Khi tôi không còn cân đối được giữa đam mê và sức khoẻ, tôi xin dừng, đó là điều tất yếu. Nếu cứ tiếp tục, tôi cũng không muốn làm việc kiểu cầm chừng, chắc là tôi vẫn sẽ làm việc như guồng quay của tôi suốt 20 năm qua, và chắc tôi sẽ không đủ sức.
Thêm vào đó, ở mỗi giai đoạn của gia đình mỗi khác. Khi con tôi học cấp 1, tôi thấy mọi thứ có vẻ đơn giản hơn một chút. Nhưng khi các con lớn hơn, rồi vào cấp 2, mọi thứ thay đổi nhiều lắm, từ chăm sóc đến dạy dỗ. Và tôi lại sinh cháu thứ 3 nữa. Tôi tự nhủ: phải dừng lại thôi, các con đang rất cần mình.
- Chồng có ủng hộ quyết định của chị?
Chồng là người ủng hộ tôi hoàn toàn, bất luận chuyện gì xảy ra. Ngay cả ngày trước công việc đêm hôm, hay đi công tác xa nhà cả tháng trời. Anh là người hơn ai hết hiểu công việc của người làm truyền hình.
Anh biết đam mê của tôi là truyền hình nên rất hay động viên tôi. Nhưng khi tôi kêu mệt, anh ấy cũng ủng hộ, anh ấy bảo: “Mệt thì em nghỉ thôi!”.
Anh ấy chỉ lo tôi sẽ vượt qua nỗi nhớ nghề như thế nào. Anh lo tôi bị trầm cảm vì thật sự lúc mang bầu đứa thứ 3 tôi cũng bị rơi vào trạng thái đó.
Đang từ sự trầm cảm này chuyển sang sự trầm cảm khác, đó là điều mà chồng lo cho tôi.
- Chị vượt qua quãng thời gian trầm cảm như thế nào?
Khi bắt đầu mang bầu đứa thứ 3, tôi cảm thấy không được khoẻ. Tôi biết mình mang bầu khi đang có một chuyến đi công tác rất dài xuyên mấy châu lục.
Mặc dù mang bầu nhưng khi trở về từ chuyến công tác, tôi vẫn làm việc rất nhiều. Áp lực công việc cộng với việc thay đổi tâm sinh lý của phụ nữ mang thai khiến tôi rơi vào trạng thái gần như trầm cảm.
Tôi sợ tiếng ồn. Mọi tiếng động đều làm tôi phát cáu. Ba tháng mang thai, tôi luôn rơi vào tình trạng ở bất cứ ngóc ngách nào trong nhà cũng đều nghe thấy tiếng ồn. Tôi bị tiếng ồn ám ảnh.
Tôi không thể ngủ được, cả ngày và đêm, 3 tháng ròng như thế. Tôi đi khám nhiều nơi nhưng đều bị “đuổi về” vì mang bầu, không có thuốc nào để điều trị. Tôi rơi vào tình trạng căng thẳng, nhiều lúc chỉ muốn đập phá.
Đã không ngủ thì nghĩ đủ thứ chuyện, lo nhất là con trong bụng.
Khổ thân chồng tôi, đi đâu luôn lo lắng xem ở nhà vợ có chợp mắt được chút nào không. Mọi tiếng động nhỏ trong nhà đều làm anh lo lắng. Hai đứa con trai bị giữ rất kỹ để khỏi làm ồn mẹ.
Tôi nói với chồng rằng tôi không thể ở căn nhà này nữa bởi lúc nào tôi cũng bị tiếng ồn ám ảnh mặc dù tôi yêu nó lắm. Gia đình tôi quyết định chuyển chỗ ở.
Lúc bán căn nhà đi, tôi còn khóc như mưa. Từ ngày bán nhà, chúng tôi cũng phải chuyển chỗ ở nhiều lần mới tìm được chỗ phù hợp, giờ tôi ở ngoại ô. Đi lại hơi xa một chút nhưng nó tốt cho sức khoẻ của tôi và của cả gia đình.
- Chị đã quen với cuộc sống không có truyền hình chưa?
Tôi đã mất khoảng một năm để hoàn quen với cuộc sống không có truyền hình, đặc biệt là trong suy nghĩ. Khi tôi nghỉ, rất nhiều người xung quanh tôi nghĩ mọi chuyện chỉ là tạm thời, một người như tôi không thể bỏ truyền hình được từ bỏ cả công việc tốt, uy tín bao nhiêu năm, một vị trí trong mơ và có lẽ một phần là sự nổi tiếng nữa. Rồi sẽ có ngày tôi quay lại, nhiều người nghĩ thế.
Bản thân tôi cũng phải làm quen với suy nghĩ là không bao giờ được “Look back” (nhìn lại - PV) bởi tôi vốn không phải là người như vậy. Tôi làm quen với cuộc sống tự lập, không làm việc cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào, không có sếp và không phải đi họp.
Tôi đã bắt tay thử làm một số việc để dần chọn lọc ra là mình sẽ hợp nhất với công việc gì bây giờ. Nhưng ưu tiên mà tôi dành thời gian nhiều nhất đó là sức khỏe, luyện tập cho bản thân, thời gian nhìn nhận và sắp xếp lại toàn bộ các vấn đề trong gia đình: học hành của con cái, nền nếp sinh hoạt, nơi ăn chốn ở.
Có rất nhiều những việc mà trước đây khi đi làm bận quá bạn đành tặc lưỡi gác lại và nó đã tồn đọng từ suốt năm này sang năm khác. Đơn giản như làm một cuốn album cho con thôi.
- Ở tuổi đã ngoài 40, chị từ bỏ công việc nhiều người mê để khởi nghiệp, nó có bị ngược đời không?
Có bị ngược đời, nếu bạn theo số đông. Nhưng tôi luôn nghĩ mình sẽ luôn là người biết mình nhất, hiểu mình nhất và biết cần phải làm gì. Khi còn rất trẻ, mới ra trường đại học, tôi đã cùng các bạn thân của tôi khởi nghiệp.
Khi đó là một công ty du lịch, và đó là một ý tưởng rất lớn. Các bạn tôi bây giờ vẫn theo đuổi công việc đó và cực kỳ thành đạt. Chỉ có tôi đang nửa đường thì rẽ ngang đi làm truyền hình. Vì khi đó tôi học báo chí ra và quá hâm mộ VTV3.
Tuy nhiên tôi không bao giờ tiếc về quyết định của mình. Tôi đã được rất nhiều từ công việc làm truyền hình. Đó là 20 năm của một cuộc sống đầy màu sắc, của những trải nghiệm, những thăng trầm, niềm vui, tình yêu, mồ hôi, nước mắt, những thành tựu nghề, một người chồng và những đứa con.
Tôi tự hào về những ngày tháng đó. Và giờ đây, tôi muốn viết những trang mới của cuộc đời mình.
Về khởi nghiệp, tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ chính những chương trình mà chúng tôi đã làm: Sinh ra từ làng, Khởi nghiệp, Tuổi trẻ và Tổ Quốc. Không bao giờ có gì là muộn cả.
Tôi muốn dành những ngày tháng tiếp theo của mình cho những công việc mới và những đam mê đã gác lại của mình.
- Chị có thể bật mí công việc khởi nghiệp khi rời VTV của chị?
Bạn còn nhớ khi mới bắt đầu làm truyền hình 20 năm trước, tôi đã bắt đầu với một chương trình cho thiếu nhi Vườn Cổ Tích chứ? Và chương trình theo series gần nhất trước khi tôi nghỉ VTV là “Những đứa trẻ hay chuyện”.
Hình như có một cái duyên định ngầm nào đó giữa tôi với những gì dành cho trẻ em. Sau một năm chính thức nghỉ ở VTV, tôi đã thử làm một số công việc, để tìm ra sau truyền hình nói chung, tôi sẽ thực sự muốn làm gì.
Hiện tại tôi đã có câu trả lời. Đó là những gì làm cho các bạn nhỏ và những gì liên quan đến làm đẹp và phong cách cho phụ nữ - Thời trang. Trang YouTube tôi mở ra cùng con gái “Bebe Play and Learn” sẽ là trang mở đầu cho những trang YouTube mà tôi làm cho các bé vừa học vừa chơi.
Ngoài ra, tôi cũng còn một ước mơ khác mà tôi muốn chia sẻ, đó là ước mơ làm những công việc cho cộng đồng trong đó có việc bảo vệ động vật và môi trường sinh thái tại Việt Nam.
- Muốn đi theo thời trang, vậy nên chị đã dao kéo để đẹp hơn, khuôn mặt chuẩn Vline – xu hướng làm đẹp hiện tại?
Người ta đồn nhiều lắm, nhất là nhìn tôi mỗi lần lên hình mỗi khác. Đầu tiên phải nói với mọi người là việc trang điểm thật sự làm bạn trở thành người khác. Cái này những người có công việc hay cần sự trang điểm đều rất biết.
Mỗi một người trang điểm cho bạn theo tay nghề khác nhau, sẽ làm bạn trông rất khác đi, cộng với ánh sáng và góc máy và trong trường quay.
Thứ hai là, mọi người rất ấn tượng với tôi hồi lên hình giai đoạn đầu ở VTV, khi đó tôi còn trẻ và mặt khá bầu bĩnh. Còn bây giờ, 20 năm đã trôi qua rồi mà, gương mặt mọi người sẽ thay đổi.
Gần đây, khi mọi thứ trong cuộc sống cân bằng, tôi lấy lại được vóc dáng gọn gàng. Mới đây tôi mới thực hiện detox thanh lọc cơ thể, lại giảm thêm được mấy cân mỡ thừa nữa. Tôi lấy lại cân nặng chỉ còn 46 kg, nặng hơn đúng 1kg so với hồi bước chân vào đại học.
Tôi đã để dành chiếc áo dài bé nhất từ năm 2004 khi dẫn Hành Trình Văn Hóa, khi chưa sinh em bé nào để lại để làm kỷ niệm. Và nay tôi lại mặc vừa nó. Bạn thấy có ngoạn mục không?
Tình Lê
Thiết kế: Luyện Phạm