Mẹ ngồi đó, như mây trắng nhẹ nhõm hiếm hoi trong chiều đông xứ Bắc. Đi qua 102 mùa xuân phong sương, tóc thành mây đã đành, mình mai vóc hạc đã đành, nhưng thần thái toát ra từ giọng nói khi kể về những trường đoạn đắng cay đời mình mà vẫn nhẹ như mây sớm đầu thu. 

{keywords}
Bà Phạm Thị Trinh. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Trỗi lên trong tôi mơ ước, rằng, đời người lúc khởi thủy đã mang trên mình cây thập giá đau khổ, ai cũng cố, cũng ít nhất một lần tự dặn mình, hãy trút bỏ lụy phiền đi cho nhẹ gánh, nhưng nào có dễ. Con trai thứ, đại tá Nguyễn Anh Tường đã về hưu, ghé vào tai bà: “Người ta nói trong nhà có người thọ là báu vật”. Bà cười: “Sống lâu quá, mệt”. 

Bà nói chơi vậy, chứ bà vẫn khao khát được sống, để góp nuôi vợ chồng đứa con trai tên Dũng bị câm điếc cùng hai đứa cháu nội. Tôi đọc hồi ký của bà, biết bà nát gan tan ruột, chỉ vì công tác cách mạng giao, bà gửi con nhảy núi đi hoạt động, ông Dũng lúc còn thơ bị viêm tai giữa nặng, thiếu thuốc thang, biến chứng, nên câm điếc luôn, làm dằn vặt đau xót lòng mẹ đến bây giờ.

Người ta nói, bà Phạm Thị Trinh là niềm tự hào của phụ nữ Việt, là chứng nhân, là nhân cách sống hiếm hoi của thế hệ vàng, bởi tuổi Đảng của bà bằng tuổi của Đảng, 85 tuổi. Còn bà khi nói về lúc 16 tuổi vào Đảng năm 1930, theo các anh rải truyền đơn ở Sơn Tịnh – Quảng Ngãi, để 17 tuổi đã vào tù, rồi đi qua những biến cố cuộc đời, vừa nuôi con, đánh giặc, vừa hoạt động phong trào, bền gan vững dạ với chữ trung kiên và tận tụy, đến bây giờ vẫn nộp Đảng phí mà nhẹ như không, như mặc nhiên phải có. 

Năm 1941, bà lại vào tù ở Quảng Ngãi lần nữa, mang theo đứa con ba tuổi là cô Tuyết Minh. Cô Tuyết Minh, PGS-TSKH, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, bây giờ đã 76 tuổi, là lớp học sinh tiếng Nga đầu tiên ở miền Bắc được đưa qua Liên Xô đào tạo, là chuyên gia đầu ngành tiếng Nga ở ĐH Quốc gia Hà Nội. Tập kết ra Bắc, bà về làm ở Ban Phụ vận rồi Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội LHPNVN, đại biểu Quốc hội hai khóa liền cho đến lúc nghỉ hưu.

“Bà nhớ ông không?”. “Nhớ chứ - giọng bà trầm xuống, lúc nào cũng nghĩ đến ông”. Bà Minh xen vào: “Bà thấy mấy đứa xài iPad, hỏi cái này là cái gì, xong bà nói: giá như ông còn sống, được thấy cái này thì vui lắm”. Cưới nhau được ba ngày, lẽ ra phải về lạy cha mẹ cô dâu theo tập tục, họ lại cùng lúc bị bắt lần hai vào nhà lao Quảng Ngãi. 

Chồng bà, Trung tướng Nguyễn Chánh, vị chỉ huy đầu tiên của du kích Ba Tơ, Bí thư Liên khu 5, Trưởng ban Cán bộ - Bộ Quốc phòng. Ông Chánh là nhân vật lẫy lừng của đất Quảng Ngãi. Nhân duyên ông và bà đến với nhau vì cả hai cùng ở tù năm 1931, và cũng vì do… thơ. Bà không biết chữ, nhưng xuất khẩu thành thơ. Ông Chánh giỏi thơ Đường luật. Ông hứa giúp làm thơ. Trong tù làm sao gặp được, bèn hẹn nhau ở nhà vệ sinh cách vách đất. Bà đọc, ông sửa. Rồi bà tự học chữ trong tù, học ở ngoài, thế là biết chữ, để rồi sau này Tổng tập văn học Việt Nam, tập 35, xếp bà là 10 nữ sĩ xuất sắc của văn học cách mạng nửa đầu thế kỷ XX. 

Mấy người con nói, tính cách ông bà khác nhau, ông mềm mỏng nhẹ nhàng, bà nóng tính kiên quyết, nhưng ông rất kính trọng bà, thư từ đều nói bà là “bạn tri kỷ”. Tôi nhìn bàn tay gầy guộc, nổi đầy gân xanh, nhớ bàn tay mẹ, bàn tay của những người đàn bà quê lam lũ chưa một ngày biết đến miếng ăn ngon, nhưng lặng lẽ lấy niềm vui của con cháu làm giấc mơ kín đáo đời mình. Trả lời tôi, bà nói nhẹ nhàng mà âm sắc như đinh ghim: “Đời bà, vì đấu tranh với địch mà ở tù có đến chín lần bị tăng án, nhưng bà không sợ, có ý chí là có tất cả”. 

Ông Chánh đi suốt mùa kháng chiến, mình bà vừa hoạt động với chức Hội trưởng Phụ nữ Liên khu 5, vừa nuôi năm đứa con trong vùng địch hậu, rồi tù ngục đòn roi, nào có dễ gì. Mười sáu tuổi đã đối mặt với Toàn quyền Đông Dương để cãi về văn minh và nô lệ, tự do và mất nước, để rồi sau đó báo Nhân Đạo của Pháp đăng bài khen ngợi. Ra Bắc, bà mới vào học phổ thông, một năm bốn lớp, ban ngày làm, ban đêm học, lặng lẽ cứ thế mà đến 55 tuổi còn dự các lớp dành cho đại học. “Bà là con nông dân, không biết chữ, nên phải học thôi. Muốn bình đẳng giới, phụ nữ phải có trình độ, năng lực, không thì khó lắm”.

Năm 1957, khi bà đang học ở trường Nguyễn Ái Quốc, thì ông Chánh đột ngột ra đi lúc 43 tuổi. Một nách sáu con, sống thời tem phiếu khốn khổ, chuyện phong trào phụ nữ thời chiến chất chồng ngày đêm, thế mà trong đớn đau bà vẫn không ủy mị: “Anh ơi vĩnh biệt từ đây – Mình em gánh lấy một bầy con thơ – Lòng em lúc tỉnh lúc mơ – Tình chung tan nát bây giờ làm sao? Chỉ chờ trong lúc chiêm bao – Ta cùng xây đắp nhịp cầu Hiền Lương” (Chiều thứ Bảy). “Làm cách mạng không thể ngã quỵ được. Mình phải làm gương cho mọi người, cho con mình”. 

Ở Hà Nội đến giờ người ta còn nhắc câu chuyện trả nhà công vụ của bà sau khi ông mất. “Ông Chánh mất, thì bà trả nhà thôi, Nhà nước cấp nhà cho ông chứ có cấp cho bà đâu mà giữ. Lúc còn sống, ông đi ô tô, bà đi xe đạp”. Có mối thân thiết với gia đình ông Phạm Văn Đồng, ông Lê Duẩn, ông Võ Nguyễn Giáp, ông Nguyễn Chí Thanh, ông Chánh là tướng to, anh ruột bà là Trung tướng Phạm Kiệt – tư lệnh đầu tiên của Bộ đội Biên phòng, thế mà bà đâu có dựa dẫm. 

Bây giờ lắm người về hưu đã không chịu trả nhà công vụ, lại còn dối xin xỏ kêu la không có nhà để rước thêm mấy căn nữa. Bảy mẹ con chuyển về nhà khác ở. Ông Lê Duẩn một lần đến thấy chật quá, cám cảnh, bèn yêu cầu cấp lại căn khác rộng hơn, bà trả lại, tìm mua ngôi nhà ấm cúng này ở ngõ 315 phố Khương Trung, quận Thanh Xuân. Nuôi gà, trồng rau và nuôi con. “Không rộng, nhưng bà thích, vì có chỗ để mấy chậu hoa” – cô Minh nói. “Cái gì không phải của mình, đừng lấy cháu à” – bà hướng về tôi, lời như một nhà tuyên giáo.

{keywords}
Ảnh: Đất Việt

Tôi quay về câu hỏi muôn thuở với bà mẹ và đàn con: “Bà thấy các cô chú thế nào?”. “Thành đạt, sống lương thiện, không giàu như người ta nhưng đủ ăn, thế là được. Thằng Dũng bị tật nguyền, vợ chồng nó giờ dọn vệ sinh ở chợ để kiếm sống, có người nói ông bà chức to, thế mà để con cái vậy, bà nói cha làm tướng, con quét rác là chuyện thường”. Cái nhìn ấm áp trong đôi mắt tuy đã yếu nhưng còn đủ tỏ để ký sách tặng tôi, hướng về các con. 

 Ai cũng đã hoa râm đầu bạc. Họ lặng lẽ nhìn mẹ nhưng mắt không giấu được niềm tôn kính và tự hào. “Đúng đó cháu – cô Minh nói – anh em cô không dám làm điều trái, sợ mẹ buồn”. Một người đàn bà Việt đủ cơ hội sống trong nhung lụa bởi cống hiến và chức quyền cao, nhưng từ nan tất cả, chèo chống nuôi con bằng lẽ phải, nghị lực hơn người, sống kham khổ như bao lương dân khác ở thời buổi gạo châu củi quế của thời chiến, rồi ở cái thời ham hố cầu danh cầu lợi ngập tràn, đi bằng đôi chân trần cho đến cuối đời, để rồi cây cho quả ngọt là con cái nên người, niềm hạnh phúc ấy có lẽ không gì sánh nổi.

Bữa chia tay bà, tôi đi ngang qua thành Hoàng Diệu, nhớ chuyện vị tổng đốc Hà thành xưa có lần gửi về biếu mẹ ở Quảng Nam một tấm lụa đào. Bà mẹ gửi trả lại, bên trong là một cái roi dâu từ đất Gò Nổi. Hoàng Diệu nhận quà, bèn quỳ xuống hướng về Nam, lạy mẹ ba lạy, nhận lỗi. Ngọn roi ấy là lời răn, còn với mẹ, của cải tiền tài không phải là báu vật để mẹ nuôi con thành người tử tế ở đời…

“Bà có 10 bệnh đó, cả ung thư gan, ung thư vòm họng, nhưng hết rồi”. Bà nói và cười, nếp nhăn xô lệch ngang dọc bóng thời gian. Tự mình chữa trị bằng kinh nghiệm dân gian, thế mà hết. Khi 80 tuổi, bà còn tập yoga, cứ 4g30 sáng là dậy “trồng chuối”. Bà ra hiệu cho ông Tường gắp thức ăn cho tôi. “Nhà có thuê chị phục vụ, tới bữa ăn bà lại gắp cho chị, nói nó làm thuê, thức ăn ngon nó không dám gắp đâu. Vợ tôi sinh, bà lên thăm, thấy cháu gái được thuê nuôi vợ, bà nói vợ con mạnh rồi thì nên cho con bé này đi học”, ông Tường kể. 

Hình như khổ cực, thất học ám ảnh đời bà, nên lòng nhân của bà vời vợi, một chữ nhân đại tự, nằm trọn trong con đường bà đi từ thuở theo Đảng đến giờ. “Bà có ân hận gì không?”. Bà trả lời ngay: “Không. Bà không ham quyền, ham lợi, nên không kêu than. Bà chỉ làm điều đúng với lòng mình, với tư cách người cộng sản”.

Điều gì ẩn trong con người phụ nữ này? Một nhà nghiên cứu văn hóa khi biết về bà đã thốt lên, rằng, thời này thiếu vắng những nhà văn hóa lớn, nhưng còn đó một nhân cách lớn như bà Trinh, là báu vật. Hỏi bà bí quyết làm sao sống khỏe, đã 102 tuổi rồi mà vẫn làm thơ, theo dõi thời sự, tự lo vệ sinh cá nhân, minh mẫn đến lạ lùng, thì tôi nhận được nụ cười siêu thoát. 

Tôi đã gặp những người thọ như thế, họ chỉ nói đơn giản một điều mà triệu người chỉ có một người làm được: Đừng tham lam, sân hận, hay yêu thương mọi người, ăn uống rau dưa là chính! Với tôi, họ là những người sống sạch, suy nghĩ sạch, ngồi bên họ, ta cảm nhận một nguồn năng lượng toát ra, mạnh mẽ và trong suốt. Hình như các bậc như thế, sức cảm hóa mạnh hơn vạn trang sách.

Một người đàn bà Việt đủ cơ hội sống trong nhung lụa bởi cống hiến và chức quyền cao, nhưng từ nan tất cả, chèo chống nuôi con bằng lẽ phải, nghị lực hơn người, sống kham khổ như bao lương dân khác ở thời buổi gạo châu củi quế của thời chiến, rồi ở cái thời ham hố cầu danh cầu lợi ngập tràn, đi bằng đôi chân trần cho đến cuối đời, để rồi cây cho quả ngọt là con cái nên người, niềm hạnh phúc ấy có lẽ không gì sánh nổi.

(Theo Nam Khang/Phụ Nữ)