Câu chuyện người thực việc thực của chị Nguyễn Thảo Vân, một người khuyết tật và là em gái Hiệp sĩ CNTT quá cố Nguyễn Công Hùng, tại Hội thảo “Chương trình Máy tính cho cuộc sống – PCs for life” diễn ra chiều 21/3/2014 ở Thái Nguyên đã làm ấm khán phòng bởi tính nhân văn của Chương trình này.
Theo lời kể của chị Thảo Vân, Trung tâm Nghị lực sống là một “địa chỉ đỏ” của những người khuyết tật muốn tìm kiếm cơ hội việc làm. Năm 2008, trung tâm đã tiếp nhận tới 138 hồ sơ xin học nhưng chỉ nhận đào tạo được 60 học viên, phải dạy liên tục 3 ca vì không có đủ máy tính. Khi đó, tỷ lệ học viên tìm được việc làm ổn định chỉ khiêm tốn ở mức 45%. Từ năm 2010, sau khi được tiếp nhận máy tính từ Chương trình Máy tính cho cuộc sống, số lượng học viên được đào tạo đã tăng dần, tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo cũng đã tăng mạnh. Năm 2013 đã có hơn 300 học viên có được việc làm sau khi học xong, chiếm hơn 90% tổng số học viên được đào tạo. Thu nhập trung bình 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
“Rất cảm ơn Chương trình Máy tính cho cuộc sống và các nhà tài trợ đã đồng hành. Nếu không có Chương trình thì người khuyết tật không có điều kiện để học tập và tìm được việc làm, có lẽ phải chờ rất lâu mới có cơ hội để hòa nhập xã hội. Bản thân tôi nếu không có máy tính và Internet thì khó làm được gì cho bản thân, chưa nói là góp phần cho toàn xã hội”, chị Nguyễn Thảo Vân chia sẻ.
Dấu ấn nhân văn của Chương trình Máy tính cho cuộc sống không chỉ thể hiện tại Trung tâm Nghị lực sống mà còn hiện hữu ở 43 tỉnh, thành đã từng được thụ hưởng Chương trình từ năm 2009 tới nay.
Chẳng hạn tại Nghệ An, Giám đốc Sở TT&TT Hồ Quang Thành cho biết ngày 23/4/2010, địa phương này đã được trao tặng 60 máy tính, 5 máy in, triển khai kết nối Internet miễn phí. Quà tặng ý nghĩa đó đã được chuyển tới 8 đơn vị các gồm trường học, trung tâm CNTT, bộ đội biên phòng,… Cùng với một số chương trình trao tặng máy tính khác của các Bộ, ngành, hiệp hội, tới nay, hiệu quả đem lại rất lớn. Điển hình như Trung tâm CNTT-TT đã đưa hệ thống vào phục vụ đào tạo lưu động cho cán bộ công chức các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Hệ thống máy tính trao tặng cho bộ đội biên phòng tỉnh đã được phân chia về các đồn, phục vụ việc chuyển nhận văn bản qua mạng, tra cứu thông tin, tìm kiếm tài liệu kỹ thuật tăng gia sản xuất và số hóa thông tin chuyên ngành. Đặc biệt, khi Chương trình Máy tính cho cuộc sống về với các trường học, học sinh có cơ hội tiếp cận kiến thức mới về nông nghiệp, đã truyền đạt cho bố mẹ cách giữ ấm trâu bò trong đợt rét, hoặc chữa bệnh cho gia súc gia cầm,… giúp cho người dân cả vùng được hưởng lợi theo; việc các trường sử dụng hệ thống máy tính để phục vụ các em học sinh thi tiếng Anh qua mạng và giải toán qua mạng đã đưa Nghệ An trở thành địa phương có nhiều thí sinh thi nhất, có thời điểm trên 2 triệu lượt truy cập để thi trên mạng,..
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình Máy tính cho cuộc sống, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam khẳng định: “Chương trình có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Việt Nam là quốc gia duy nhất duy trì sáng kiến này. Đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn và xã hội rộng lớn”.
Còn rất nhiều người đang ngóng đợi
Đánh giá cao hiệu quả của Chương trình Máy tính cho cuộc sống nói riêng và sự phát triển của CNTT-TT nói chung nhằm đáp ứng các nhu cầu trong đời sống xã hội, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son lưu ý: “Vẫn còn nhiều nơi, nhiều người dân chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ công nghệ hiện đại. Còn nhiều việc phải làm để đảm bảo quyền được tiếp cận công nghệ cao cho mọi người dân”.
Minh họa rõ hơn cho điều này, Giám đốc Sở TT&TT Nghệ An Hồ Quang Thành cho biết tại Nghệ An, hiện nhiều xã chưa có điện lưới, đường giao thông. Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo, diện tích lớn, địa hình phức tạp, nhu cầu của người dân tiếp cận máy tính và Internet rất lớn. Chính quyền địa phương sẽ tìm giải pháp để bà con kết nối thông tin với bên ngoài.
Đáp ứng nhu cầu của các địa phương cũng như của người dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, ông Hoàng Anh Tú, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, đơn vị chủ trì triển khai Chương trình Máy tính cho cuộc sống cho biết thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương để nhân rộng mô hình trao tặng máy tính kết nối Internet và thiết bị tin học để ngày càng có nhiều người dân có cơ hội sử dụng máy tính và Internet. Bộ TT&TT mong muốn các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp,… đóng góp thêm sáng kiến, đặc biệt là về nội dung, giải pháp để giúp người dân sử dụng máy tính, Internet hiệu quả phục vụ cuộc sống.
Một tin vui là bên cạnh Chương trình Máy tính cho cuộc sống, thời gian tới cũng sẽ có nhiều chương trình khác cũng có mô hình trao tặng máy tính được triển khai. Đáng chú ý là Chương trình Máy tính nối mạng tri thức đang được Vụ CNTT, Bộ TT&TT dự thảo trình Chính phủ. Có 3 nhóm đối tượng thụ hưởng gồm: đối tượng giáo dục (học sinh, sinh viên, giáo viên,…), đối tượng cộng đồng (hộ gia đình nông thôn, cán bộ công chức, viên chức, người thu nhập thấp,..), đối tượng ưu tiên (người dân ở vùng nghèo, công ích và các cá nhân, gia đình chính sách,…).
Các doanh nghiệp lớn như VNPT, Intel, Microsoft cũng đang tiếp tục định hướng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng.