Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (CAST) gần đây công bố danh sách những thách thức mà ngành công nghiệp bán dẫn nước này đối mặt. Đáng chú ý, máy in thạch bản không có mặt. DigiTimes Asia nhận định, việc loại bỏ máy in thạch bản là một động tác nhằm giảm nhẹ tác động các lệnh cấm vận của Mỹ lên ngành sản xuất chip Trung Quốc hơn là việc Trung Quốc đã đạt được tiến bộ để tự chế tạo công cụ.
Đây không phải lần đầu Bắc Kinh đánh giá thấp máy in thạch bản của các nhà sản xuất ngoại quốc, chẳng hạn ASML của Hà Lan. Nhà sản xuất máy in thạch bản Shanghai Micro Electronics Equipment Group (SMEE) và công ty Naura Technology (Nhật Bản) đang đặt mục tiêu phát triển công cụ quang khắc lần đầu tiên.
Tuy nhiên, tỷ lệ công cụ chip nội địa của Trung Quốc trong toàn bộ quy trình sản xuất bán dẫn chỉ khoảng 20% và công cụ in thạch bản trong nước chiếm chưa tới 1%, so với 93% thị phần toàn cầu của ASML. Các công cụ in thạch bản EUV vô cùng quan trọng đối với thế hệ chip tiếp theo.
Dù một khách hàng có thể mua được chúng trước khi bị Mỹ cấm vận, họ vẫn cần bảo trì và dịch vụ liên tục trong quá trình sử dụng. Song, do Mỹ đã cấm cả những dịch vụ hậu mãi, các công cụ in thạch bản có thể bị vô hiệu hóa dù đã đi vào hoạt động.
Trừ khi Trung Quốc đạt được đột phá trong ngành công nghiệp công cụ in thạch bản, đây sẽ là rào cản lớn nhất mà doanh nghiệp trong nước phải vượt qua nếu muốn sản xuất chip cao cấp. Hiện nay, một số lãnh đạo ngành còn đề nghị các hãng bán dẫn tập trung vào chip cũ (legacy) và đóng gói 3D thay vì cố bám lấy quy trình tối tân.
Dù vậy, nhiều công ty vẫn đang cống hiến thời gian và sức lực để tìm ra những đổi mới giúp chống lại lệnh cấm vận từ Washington. Chẳng hạn, Huawei đang xây dựng một trung tâm R&D lớn dành cho thiết bị đúc chip và máy in thạch bản. Vài doanh nghiệp đồng hương khác thử nghiệm các công nghệ theo tiêu chuẩn mở như RISC-V.
Trong Hội nghị Internet Trung Quốc khai mạc hôm 9/7, Wu Hequan – cựu Phó Chủ tịch Viện Kỹ thuật Trung Quốc – cho rằng, các hạn chế tiếp cận chip hiện đại “tác động nhất định” đến công nghệ trong nước nhưng cuối cùng, họ có thể vượt qua những trở ngại bằng cách tập hợp nguồn lực điện toán.
Kỹ sư 81 tuổi thừa nhận không được tiếp cận “chip ngoại tiên tiến” sẽ làm chậm việc mở rộng năng lực điện toán của Trung Quốc, song họ đã phát triển đủ cơ sở hạ tầng điện toán cho các tham vọng AI của mình. Ông lưu ý, Bắc Kinh chỉ đứng sau Washington về sức mạnh tính toán.
Ngay cả khi các tổ chức loại bỏ một hay nhiều công nghệ ra khỏi danh sách khó khăn, nó cũng không thể thay đổi những thách thức thực tế mà ngành bán dẫn Trung Quốc đang gặp phải. Sẽ mất hàng năm, nếu không muốn nói hàng thập kỷ, nghiên cứu và phát triển để nước này theo kịp các nhà sản xuất như ASML.
(Theo Tom’s Hardware, SCMP)