Nhóm sinh viên tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo một thiết bị có thể giúp người khiếm thị “đọc” được sách. Chiếc máy có kích thước tương đương một bao thuốc lá, với một vòng tròn nhỏ gắn vào ngón tay người dùng. Người khiếm thị sẽ sử dụng ngón tay này rà từng dòng chữ trên sách để máy sẽ đọc nội dung ngón tay vừa lướt qua.

Sản phẩm “Máy đọc ngón tay cho người khiếm thị” của nhóm Curiosity (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã đoạt giải nhất cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017, cuộc thi đồng tổ chức bởi Đại học bang Arizona (ASU), Liên minh BUILD-IT, và Amazon Web Services (AWS).

Trong hôm chung kết diễn ra ngày 10/1, Nguyễn Thái Hoàng - đại diện nhóm Curiosity - cho biết chiếc máy được xây dựng trên nền tảng công nghệ của AWS, với phần cứng là chiếc máy tính nhúng Rasperry nhỏ gọn. Sinh viên này cho biết một camera nhỏ gắn ở đầu ngón tay người dùng sẽ đọc các dòng chữ trên sách, sau đó hình ảnh được truyền lên đám mây của AWS để nhận diện chữ viết trong các ảnh chụp. Chữ viết sau khi phân tích sẽ được đọc thành tiếng bởi nền tảng Polly của Amazon.

Với cách làm này, người khiếm thị có thể đọc được mọi loại sách trên thị trường mà không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ. Tuy vậy, do các nền tảng liên quan của AWS vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt nên máy chỉ mới đọc được tiếng Anh và 23 ngôn ngữ khác.  

Đại diện nhóm Curiosity cho biết giá thành sản phẩm vào khoảng 100USD, và sẽ được giảm giá hơn nữa nếu giải pháp này triển khai trên thiết bị nhỏ hơn - vừa tiết kiệm giá thành vừa thuận tiện cho người dùng sử dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng, Giám đốc quốc gia VP đại diện ASU tại Việt Nam, cho biết cuộc thi là cơ hội để nhiều sinh viên được tiếp cận công nghệ mới và tham gia sáng chế góp phần cải thiện cuộc sống. Bà Phương cho biết sẽ kết nối với các tổ chức khởi nghiệp để giúp sản phẩm của cuộc thi có cơ hội đưa ra thị trường. Ngoài ra, trong tương lai bà có thể đề xuất để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tham gia đồng hành nhằm giúp sản phẩm gần với thị trường.

Ngoài đội của Đà Nẵng đoạt giải nhất, đội ViBot từ ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM với sản phẩm “Ứng dụng Chatbot cung cấp thông tin hỗ trợ Chính phủ” đoạt giải nhì. Năm nay ban giám khảo cho biết các sản phẩm có chất lượng nên đã trao 2 giải ba: Đội Puzzle App của Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM với sản phẩm “Tích hợp và đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng khác nhau”, cùng với đội Smart Traffic từ Đại học Bách khoa TP. HCM với sản phẩm “Lập kế hoạch giao thông theo thời gian thực tế”.

Cuộc thi ASU/AWS EduHackathon tập trung giải quyết các vấn đề hiện tại của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, chẳng hạn các vấn đề giảm thiểu kẹt xe, chính phủ điện tử, chăm sóc sức khoẻ, dữ liệu mở,...

Có 17 đội, 68 thí sinh từ các trường đại học tham gia cuộc thi khởi động hồi đầu tháng 10. Các trường tham dự đều thuộc Liên minh BUILT-IT tại Việt Nam. BUILD-IT, còn được gọi là Xây dựng Liên minh trường Đại học và Doanh nghiệp thông qua Sáng tạo và Đổi mới Công nghệ (BUILD-IT), là một dự án trị giá 10,8 triệu USD được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các khoản đầu tư từ hơn 20 doanh nghiệp đối tác.

Dựa trên các trụ cột bao gồm xây dựng chính sách, chất lượng, chương trình giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy và công nghệ tại các trường, BUILD-IT thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ và đa dạng giữa chính phủ, doanh nghiệp và các đối tác trong ngành giáo dục, cùng nhau chia sẻ mục tiêu phát triển giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng Việt Nam, phù hợp với nhu cầu và năng lực của các doanh nghiệp đối tác nhằm tạo ra lớp sinh viên tốt nghiệp có khả năng dẫn dắt sự tăng trưởng mang tính bao trùm và dựa trên  công nghệ cho cả nước.

Đại học Bang Arizona ASU là đơn vị triển khai BUILD-IT. BUILD-ITđược xem là dự án giai đoạn ba của ASU trong sứ mệnh đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng Việt Nam. BUILD-IT được triển khai từ năm 2015 và sẽ kéo dài đến năm 2020.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 6.312 người được đào tạo thông qua các chương trình được tài trợ bởi ASU tại Việt Nam.

Đồng hành với ASU năm nay là AWS, công ty con của Amazon cung cấp nền tảng đám mây theo yêu cầu cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ,... Trước AWS, ASU hợp tác với nhiều công ty công nghệ lớn khác trên thế giới.