Kể từ khi có chiếc máy đo độ an toàn thực phẩm, người dân dường như an tâm hơn với bữa cơm của gia đình mình. Vậy chiếc máy này có phải là "cây đũa thần" để bảo vệ sự an toàn cho bữa cơm gia đình?

Tuy nhiên, với một chiếc máy nhỏ liệu có đo được hết toàn bộ sản phẩm hay không? Và theo các chuyên gia, khi sử dụng người dân sẽ phải cắm thiết bị vào sản phẩm muốn mua, nhưng có những sản phẩm phải lấy mẫu thử hoặc phải đưa vào phòng thí nghiệm mới biết được.

Hiện nay, một chiếc máy đo nồng độ nitrat có trong các loại thực phẩm không an toàn có giá từ 6-8 triệu đồng. Theo quảng cáo, loại máy này có khả năng nhận biết dư lượng chất hóa học tồn đọng trong hoa quả, thực phẩm và đưa ra các cảnh báo đối với người dùng. Chiếc máy có thiết kế nhỏ gọn, chỉ lớn hơn chiếc điện thoại di động một chút và cho kết quả sau 15 - 20 giây kiểm tra. Với công dụng “thần kỳ” như vậy nên loại máy đo này đang được nhiều người tiêu dùng tìm mua.

{keywords}

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Hương Lài (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bạn bè chị có chia sẻ về một loại máy kiểm tra được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phóng xạ… trong rau, quả, thực phẩm nên chị đã tìm mua một cái. Nhưng từ khi mua đến nay đã được 4 tháng mà chị chỉ dùng có... 2 lần.

"Tôi đi ra chợ thì hầu như thực phẩm nào máy cũng báo thừa hàm lượng nitrat. Đến khi vào siêu thị thì các sản phẩm như táo, chuối, dưa hấu... được dán nhãn an toàn, khi đưa máy vào thử vẫn thấy dư lượng nitrat. Dù không đồng ý mua nhưng tôi vẫn phải... thanh toán những sản phẩm đã bị máy cắm vào. Lần thứ 2 ra ngoài chợ tôi cũng định cắm thử vào thịt lợn nhưng họ không cho cắm, thậm chí còn cố tình nói thật to để cho cả chợ nghe. Khi tôi đến các hàng khác mua thì cũng không ai chịu bán. Hiện giờ cái máy đo nồng độ nitrat đó đang để ở nhà cho... "an toàn bản thân" khi đi chợ", chị Lài chán nản nói.

Cũng như chị Lài, chị Kim Yến (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Khi tôi mua chiếc máy thì người bán quảng cáo rất hay, mua về dùng mới thấy nan giải. Khi tôi đo các sản phẩm dán nhãn an toàn VietGap trong siêu thị vẫn thừa lượng nitrat. Còn các sản phẩm như thịt, tôm hay các loại hải sản... nhiều khi ngâm hay tiêm trực tiếp rất nhiều chất độc hại khác nhau chứ không riêng gì chất nitrat nên máy cũng không đo hết được. Thậm chí cùng một loại rau thu hoạch cùng ngày, siêu thị đã khẳng định đưa mẫu đến phòng thí nghiệm phân tích đạt chuẩn nhưng máy đo của tôi lại báo vượt mức. Có lần tôi đã cãi nhau với nhân viên siêu thị dưới tòa nhà chỉ vì chuyện này".

{keywords}

Thực phẩm trong các siêu thị không phải thực phẩm nào cũng sạch hoàn toàn

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết các loại máy đo an toàn thực phẩm bán trên thị trường chỉ đo được thành phần nitrat. Thực phẩm được chiếc máy này cho là "sử dụng được" chưa chắc đã an toàn vì còn có 11 dư chất khác như: formol, hàn the, thuốc trừ sâu... thì máy này không đo được. "Chiếc máy này chỉ có thể đo được thành phần nitrat chứ không thể đo được toàn bộ dư chất nên sẽ không phân biệt được thực phẩm sạch hay không sạch", PGS Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa ra thị trường, chứ không phải để người tiêu dùng tự phòng vệ bằng những loại máy móc không đủ chức năng.

"Thậm chí nếu quá tin vào máy móc, người tiêu dùng sẽ... không biết ăn cái gì. Máy móc có thể đo đúng nhưng chưa chắc đủ vì còn các dư chất độc hại khác cũng có thể đưa người tiêu dùng đến... nghĩa địa nhanh hơn", ông Thịnh cho biết.

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay: "Các thực phẩm nhìn qua bằng mắt thường hay chỉ kiểm tra nồng độ nhiễm khuẩn cũng khó phân biệt được an toàn hay không vì phải lấy mẫu kiểm tra mới phát hiện được. Vấn đề máy móc chỉ mang tính sàng lọc chứ không thể căn cứ vào đó để khẳng định thực phẩm bẩn hay không bẩn. Trong khi đó, thực phẩm bẩn vẫn được bày bán tràn lan, không được kiểm định hay có kiểm định như ở siêu thị thì vẫn lọt những sản phẩm chưa đủ an toàn. Người tiêu dùng vẫn cứ phải mua thực phẩm cho sinh hoạt hàng ngày, còn máy móc thì chỉ nhằm thỏa mãn tâm lý có bữa ăn an toàn hơn của người tiêu dùng mà thôi".

VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

(Theo Motthegioi)