Gian trưng bày của Bộ Quốc phòng Ấn Độ thu hút rất đông khách tham quan tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Khu vực này triển lãm nhiều loại mô hình mô phỏng vũ khí, khí tài hiện đại như tên lửa, ngư lôi, máy bay chiến đấu...

Ngay tại lối vào là hệ thống AEW&C (hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không), loại vũ khí được thiết kế để phát hiện máy bay, tàu, phương tiện ở tầm xa và thực hiện chỉ huy kiểm soát không gian chiến đấu trong cuộc giao chiến trên không bằng cách chỉ đạo máy bay tấn công. 

Mô hình máy bay chiến đấu nhẹ Tejas là loại nhỏ nhất và nhẹ nhất trong các loại máy bay chiến đấu siêu thanh đương đại có độ linh hoạt trên không rất cao và giúp nó rất hiệu quả trong các cuộc không chiến, có thể tiến hành các nhiệm vụ trên biển xa, kể cả tấn công các căn cứ hải quân và không quân ven bờ của đối phương. Tejas có cấu hình cánh tam giác không đuôi với một bộ ổn định dọc duy nhất. Rìa đầu cánh có độ quét 50 độ, mép dẫn đầu của cánh ngoài có độ quét 62,5 độ và mép sau có độ quét về phía trước 4 độ. Tejas được tích hợp các công nghệ như ổn định tĩnh, hệ thống điều khiển bay fly-by-wire, radar đa chế độ, radar điều khiển hỏa lực Hybrid MMR, hệ thống điện tử hàng không tích hợp và cấu trúc vật liệu composite; tốc độ bay tối đa Mach 1,6-1,8, bán kính chiến đấu 500km, trần bay 15.000m; có thể mang 3,5 tấn vũ khí - 8 giá treo cho phép mang theo nhiều loại tên lửa khác nhau, từ tên lửa dẫn hướng bằng laser có tầm xa 500km cho đến tên lửa R-73 tầm ngắn, và pháo 23mm.

Mô hình tên lửa đất đối không tầm trung Akash có tầm bắn 25km và có khả năng mang đầu đạn nặng 60kg. Loại tên lửa này sử dụng hệ thống đẩy Ramjet và có tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh. Tên lửa này chính thức được phiên chế cho lực lượng không quân Ấn Độ từ tháng 7/2015. Akash có khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu trên không như máy bay tiêm kích, tên lửa hành trình và tên lửa không đối đất.

Mô hình tên lửa chống tăng Helina tên lửa gắn trên trực thăng hạng nhẹ tiên tiến Helina được dẫn đường bởi hệ thống hình ảnh hồng ngoại giúp tên lửa có khả năng tấn công xe tăng cả ngày lẫn đêm, cả tĩnh và di chuyển nhanh, phạm vi lên tới 7km, bất chấp mọi loại thời tiết. 8 tên lửa của Helina có thể được tích hợp vào một máy bay trực thăng Rudra với bốn chiếc mỗi bên.

Astra là tên lửa không đối không tự sản xuất đầu tiên của Ấn Độ, được tích hợp trên máy bay chiến đấu do Nga thiết kế dành riêng cho IAF. Nó có tầm bắn khoảng 80km, được trang bị đầu đạn phân mảnh nổ hẹn giờ nặng khoảng 15kg.

Smart anti-airfield weapon là loại vũ khí không đối đất chính xác tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất từ máy bay, phạm vi lên tới 90-100km, độ chính xác dưới 7m.

Torpedo Advanced Light (TAL), là loại ngư lôi tự dẫn đường bằng điện và có thể được phóng từ tàu và máy bay cánh quay. Nó có cả chế độ hoạt động chủ động và bị động, hệ thống hướng dẫn và điều khiển kỹ thuật số. TAL là vũ khí chống tàu ngầm, có thể tấn công tàu ngầm ở vùng nước nông và nước sâu.

Amogha-III là tên lửa chống tăng dẫn đường bắn phạm vi từ 200 – 2500m, có đầu đạn đôi, khả năng xuyên giáp vượt quá 650mm so với giáp phản ứng nổ (ERA). Tên lửa được bắn ở chế độ khóa trước khi phóng (LOBL).

Mô hình BEML - HMV 8X8, phương tiện hậu cần hạng nặng được phát triển và sản xuất bởi Ashok Leyland, một công ty hàng đầu của Tập đoàn Hinduja. Đây là loại xe tải vận chuyển hàng hóa quan trọng trong đội phương tiện hậu cần của quân đội Ấn Độ. Phương tiện này phù hợp cho nhiều ứng dụng bao gồm sở chỉ huy, vận chuyển binh lính, phương tiện chở tải, thiết bị đặt cầu, phương tiện thu hồi hạng nặng và khử nhiễm NBC.

Nguyên Thảo