Thời của sân bay nhỏ
Theo ông Mick Werson, Kinh tế trưởng của Naco, một công ty chuyên thiết kế sân bay, thuộc Tập đoàn Royal Haskoning DHV (Hà Lan), với ngành hàng không hiện nay, phải khai thác những chặng bay có khoảng cách từ 500 km trở lên mới đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, hàng không thế giới đang có sự thay đổi, liên quan đến dòng máy bay điện. Những chiếc máy bay sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng điện cỡ nhỏ, với lợi thế chi phí vận hành thấp, chuyên chở khoảng 20 hành khách mỗi chuyến, di chuyển trên những quãng đường ngắn từ 200-300 km sắp cất cánh. Hiện tại nhiều hãng hàng không trên thế giới đã đặt hàng với những máy bay này. Do đó, việc bay các đường bay ngắn hơn sẽ trở nên rất khả thi về mặt tài chính. Dự báo sắp tới một mạng lưới hàng không mới sẽ xuất hiện với hàng loạt các sân bay nhỏ, công suất hơn 1 triệu hành khách/năm, ông Mick Werson nhận định.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhu cầu đi du lịch đến những địa điểm hoang sơ, chưa được khám phá nhiều, ngày càng trở thành xu hướng. Nhưng nếu bay đến những sân bay lớn tại Hà Nội, tp Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng… rồi lại phải di chuyển bằng ô tô mà hạ tầng đường bộ những vùng đó vốn khó khăn thì sẽ mất nhiều thời gian và sức lực. Giả sử có những máy bay cỡ nhỏ, giá rẻ, bay trong tầm ngắn, đến ngay được những địa phương, những điểm tham quan đó trong vài giờ, chắc chắn mọi người sẽ lựa chọn. Việc phát triển những sân bay nhỏ như vậy là nhu cầu thiết thực. Đầu tư cho 1 sân bay nhỏ, tính ra chi phí thấp và tốn ít thời gian hơn hẳn so với việc mở đường bộ, để kết nối các địa phương đó với những trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng có ý kiến tương tự. Thời gian gần đây khách du lịch rất chú ý đến các tour du lịch trải nghiệm, có tính khám phá cao, tại các điểm đến mới thuộc các địa phương vùng xa, vùng sâu. Đây là cơ hội để những địa phương đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, phát triển ngành du lịch, mở ra cánh cửa với khu vực và thế giới, để tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm đặc hữu. Việc có sân bay sẽ tạo sự kết nối thuận tiện, nhanh chóng.
Đột phá hạ tầng
Theo ông Mick Werson, những sân bay nhỏ có thể tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp, đó là đem về lợi nhuận cho các nhà khai thác và nhà đầu tư. Hơn thế nữa, nó còn tạo ra giá trị kinh tế gián tiếp, giúp thu hút đầu tư và thúc đẩy hoặc hỗ trợ các hoạt động kinh tế tại chỗ của các địa phương, chẳng hạn như du lịch.
Lợi ích của sân bay cũng không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế là lỗ hay lãi, mà còn có lợi ích gián tiếp và các lợi ích từ việc phát triển kinh tế xã hội, bám theo để khai thác lợi ích của sân bay. Chẳng hạn như, cùng với sân bay sẽ mở những tuyến đường bộ ngắn, kết nối giữa các khu vực của từng địa phương, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các khu du lịch, khu đô thị, khu công nghiệp…Đây cũng là mô hình ghi nhận nhiều thành công trên thế giới, theo chuyên gia Nguyễn Đình Cung.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những sân bay nhỏ, nên giao cho các nhà đầu tư tư nhân thực hiện. Các công ty tư nhân sẽ huy động vốn dưới hình thức cổ phần và vay nợ, nên ngân sách Nhà nước không phải chi ra. Các công ty tư nhân cũng biết cách quản lý, vận hành thế nào cho sân bay có hiệu quả và tối đa hóa lợi ích từ các hoạt đông kinh tế phi hàng không. Đến nay Việt Nam đã có một sân bay do tư nhân đầu tư, vận hành, đó là cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, khi khai thác hoạt động đầu tư sân bay. Đột phá về thể chế, sẽ tạo ra đột phá về hạ tầng, ông Hiếu nói.