Tại dự thảo lần 4 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất "Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện".

Cụ thể, tại Điều 46 trong dự thảo Luật yêu cầu xe đưa đón học sinh phải đáp ứng hai yêu cầu.

Thứ nhất, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.

Thứ hai, ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định xe đưa đón học sinh phải có màu sơn riêng 

Trước đó, tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có điều khoản quy định riêng đối với ô tô đưa đón học sinh.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nội dung này cũng từng được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ do Bộ GTVT chủ trì.

“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có ý kiến về quy định màu sơn đối với xe chở học sinh. Sau đó, tại dự thảo được gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp trước khi trình ra Quốc hội, tôi được biết nội dung này đã được rút ra. Nhưng mới đây, nội dung này lại được chuyển sang Luật Trật tự, an toàn giao thông”, ông Quyền nói.  

Ông Quyền băn khoăn, cách hành văn như trong dự thảo thì xe chở học sinh mỗi trường phải có màu sơn riêng hay cả nước chung một màu?

“Quan điểm của tôi thì không nên đưa ra nội dung này bởi hiện nay các xe dịch vụ vận tải (trong đó có xe đưa đón học sinh) đều phải  đảm bảo nhiều tiêu chí trong đó có  lắp camera giám sát hành trình. Giờ bắt doanh nghiệp sơn lại màu xe nữa thì chi phí để thực thi quy định này rất lớn.

Trung bình mỗi xe khi sơn lại khoảng 5-6 triệu đồng. Chưa hết, để đủ điều kiện đăng kiểm, chủ phương tiện phải ra công an làm hồ sơ đăng ký lại xe. Việc này đội thêm thêm chi phí và thời gian.

Chưa hết, nếu mỗi một trường đăng kí một màu sơn riêng, có thể xảy ra tình huống năm nay doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng với trường A, nhưng vì nhiều lý do năm sau không tiếp tục ký hợp đồng với trường A mà chuyển sang trường B.

“Mỗi trường lại phải đổi một màu riêng. Nếu như vậy thì  sẽ rất là tốn kém. Theo tôi là không cần thiết. Hơn thế, trên cả nước nói chung, đặc biệt Hà Nội và TP. HCM nói riêng có hàng trăm trường học thì làm sao có màu sơn riêng cho từng trường?. Bởi nó sẽ bị trùng màu. Ai sẽ là người đi xác định màu sơn A đã có trường B đăng kí để trường khác không đăng kí màu sơn đó nữa?. Trong trường hợp bắt buộc xe chở học sinh mỗi trường phải có một màu sơn riêng, tôi cho rằng, việc thực thi sẽ rất rối rắm”, ông Quyền bày tỏ.

Trường hợp bắt buộc xe chở học sinh trên cả nước phải dùng chung một màu sơn, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng băn khoăn không hiểu mục tiêu quản lý là gì?.

“Xe chở học sinh phải đáp ứng các tiêu chí: Có thể nhìn được từ bên ngoài; lái xe phải có số năm kinh nghiệm; người đưa đón phải hướng dẫn cho học sinh lên xuống theo quy đình; phải có quy trình kiểm tra trước khi đóng cửa xe; có camera kết nối với cơ quan quản lý,..  Đặc biệt người đón trẻ phải kiểm tra số lượng học sinh trước khi vào bãi đỗ. Theo tôi, đây mới là những vấn đề quan trọng và đã được quy định. Nay chúng ta chỉ cần luật hoá để thực thi nghiêm minh hơn.

Quy định về màu sơn chỉ có ý nghĩa khi xe chở học sinh được ưu tiên, xe khác nhường đường... Tuy nhiên, nếu nội dung này được thông qua thì chi phí cho việc thực thi không nhỏ mà mục tiêu quản lý là chưa rõ. Do đó, tôi cho rằng việc quy định màu sơn đối với xe chở học sinh là không cần thiết”, ông Quyền bày tỏ.

Anh Duy và nhóm PV, BTV