Nước tiểu được tạo thành từ nước dư thừa, muối điện giải và các chất thải khác. Thận sản xuất nước tiểu, chảy vào bàng quang, sau đó thải ra ngoài. Bàng quang đầy lên dẫn tới cảm giác bạn phải vào nhà vệ sinh.
Tiến sĩ Mark Ellerkmann, Giám đốc Khoa Tiết niệu tại Trung tâm Y tế Mercy ở Baltimore (Mỹ), giải thích, khi lọc máu, thận loại bỏ chất độc và nước thừa để tạo thành nước tiểu. Vậy, màu sắc nước tiểu cảnh báo điều gì:
Màu vàng
Nếu cơ thể đủ nước, nước tiểu của bạn sẽ có màu trong hoặc vàng nhạt. Tiến sĩ Ellerkmann nói, điều này liên quan đến việc duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Ông nói: “Chúng ta không muốn mất nước nhưng cũng không muốn bị thừa nước. Thận xử lý để tạo ra sự cân bằng đó”.
Khi cơ thể đủ nước, nước tiểu có màu trong và sáng hơn. Khi mất nước, thận sẽ giữ chất lỏng, sau đó, nước tiểu có màu sẫm hơn.
“Tôi khuyên bệnh nhân nên uống đủ nước để nước tiểu của họ có màu vàng nhạt, nhưng lượng nước khác nhau tùy người”, Tiến sĩ Jason Kim, Khoa Tiết niệu tại Trường Y khoa Renaissance, cho hay.
Màu cam
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất cho nước tiểu màu cam là thuốc. Tác dụng phụ của thuốc kê cho các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khiến nước tiểu có màu đỏ cam. Đây là dấu hiệu cho thấy thuốc đang hoạt động và sự thay đổi đó sẽ biến mất khi bạn ngừng dùng thuốc. Một số loại thuốc nhuận tràng và hóa trị có tác dụng tương tự. Uống nhiều vitamin cũng tạo ra nước tiểu màu vàng cam hoặc vàng tươi.
Xanh lam hoặc xanh lục
Một số loại thuốc gây mê khiến nước tiểu có màu xanh lam. Đối với những người đang trải qua một thủ thuật y tế, các bác sĩ đôi khi dùng loại thuốc làm cho nước tiểu có màu xanh lam. Ăn thực phẩm có nhuộm màu cũng dễ gây ra sự biến đổi này.
Màu nâu
Nếu bạn bị mất nước, nước tiểu của bạn dễ có màu nâu do quá cô đặc. Nhưng nếu bạn vẫn uống nước thường xuyên, lý do sẽ là gần đây bạn đã ăn nhiều quả mâm xôi đen. Khi đó, sự thay đổi màu sắc của nước tiểu là vô hại.
Bên cạnh đó, một số rối loạn gan, thận, cũng như nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể khiến nước tiểu chuyển sang màu nâu sẫm.
Màu đục
Nước tiểu đục và có cảm giác nóng rát hoặc khó đi tiểu là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Màu sẫm hoặc đỏ
Nước tiểu màu đỏ có thể do ăn một số loại rau có vitamin B. Ngoài ra, trong nước tiểu có máu do một số bệnh lý liên quan đến bàng quang và thận.
Máu trong nước tiểu không bao giờ là bình thường và báo hiệu một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như sỏi thận, ung thư, viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh thận, bàng quang.
An Yên (Theo Yahoo)