Chị Thu Hương ở Hoàng Mai, Hà Nội lập gia đình năm 2012. Vợ chồng chị đã có 2 em bé đều đang tuổi tới trường. Chồng chị làm bên công trình dân dụng với mức thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng, chị làm văn phòng lương tháng 8 triệu đồng/tháng. Sau cưới anh chị được bố mẹ cho nhà nên cuộc sống khá ổn định.
Tuy nhiên từ đầu tháng 3/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty chị Hương làm việc buộc phải đóng cửa cho nhân viên nghỉ việc không lương. Chị Hương được hưởng 7 tháng phụ cấp thất nghiệp tương đương với 4,8 triệu đồng một tháng.
|
Sau khi nghỉ việc, chị Hương cũng tham gia ứng tuyển ở một số nơi, nhưng mức lương thỏa thuận không được như mong muốn. Chị quyết định tạm nghỉ ở nhà một thời gian, đợi khi nào hết dịch sẽ tìm một công việc thích hợp. Cũng may, công việc của chồng chị không bị ảnh hưởng quá nhiều. Hàng tháng, anh vẫn giữ được mức thu nhập cũ.
“Cái khó ló cái khôn”, trong thời gian nghỉ việc ở nhà, chị Hương lại tìm ra cách kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
“Mình thích nấu ăn, ngày còn đi làm thi thoảng có thời gian mình hay làm mấy món sở trường như chả cá, nem chua, các loại bánh trái rồi trà sữa để bán cho người quen trong khu và các chị làm cùng công ty. Tranh thủ thời gian chưa xin được việc, mình quyết định làm đồ ăn bán qua mạng”, chị Hương kể.
Có mối lấy thực phẩm đảm bảo, giá phải chăng, chị Hương bắt tay vào làm hàng bán. Thời gian đầu, mỗi mặt hàng chị Hương làm số lượng nhỏ để rao bán thăm dò khách trên trang cá nhân. Khách mua chủ yếu là người quen đã từng ăn các món của chị.
Sau đó, chị nhờ mọi người chia sẻ trên trang cá nhân. Chị cũng tham gia vào các nhóm chợ mạng để chào hàng, gom đơn. Nhờ đó mà khách hàng biết tới đồ ăn chị làm mỗi ngày một nhiều.
Sau một thời gian thử nghiệm, chị Hương chỉ tập trung 3 mặt hàng
|
Trung bình 1 ngày chị Hương chốt khoảng 45 đến 50 đơn hàng |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi người hạn chế đi lại nên số lượng khách đặt mua hàng qua mạng của chị nhiều hơn. Đặc biệt, các món chị làm luôn đảm bảo sạch sẽ, cá, thịt luôn tươi sống. Trong quá trình làm, chị thường quay video phát trực tiếp trên trang cá nhân để mọi người xem. Từ đó, khách hàng cũng tin tưởng ủng hộ hơn, chị Hương chia sẻ.
Sau một thời gian bán thử, nhận thấy khách ủng hộ 3 món chính là chả cá, nem chua, trà sữa nên chị Hương chỉ tập trung vào làm các này để bán. Chả cá chị Hương bán với giá 200.000 đồng/kg, nem chua 40.000 đồng/hộp 20 cái, trà sữa 25.000 đồng/cốc.
“Thời gian đầu chỉ mình làm, thi thoảng mẹ chồng sang giúp thêm nên mình chỉ nhận đơn hàng với số lượng có hạn là khoảng 15kg chả cá, 20 hộp nem chua. Vậy mà ngày nào mình cũng phải thức tới 1h sáng mới xong việc. Trà sữa không có thời gian thì chỉ cuối tuần tranh thủ có chồng ở nhà, mình nhờ anh phụ giúp mới làm bán.
Sang tháng thứ hai, mình thuê thêm một cô trong xóm làm cùng trả lương 3 triệu đồng/ tháng. Có thêm nhân lực, mình bắt đầu bán với số lượng nhiều, không hạn chế đơn hàng nữa”, chị Hương kể.
Có thêm người, chị Hương còn làm caramen, các loại sữa hạt bán kèm theo. Trung bình một ngày, chị chốt được khoảng 45-50 đơn hàng. Trừ tất cả chi phí, một ngày chị Hương thu về khoảng 400.000-500.000 đồng một ngày, tương đương doanh thu dao động khoảng 12-15 triệu đồng/tháng.
Chị Hương cho hay, từ hôm nghỉ việc quay sang làm nghề tay trái, chị có thêm một khoản thu nhập khá ổn, đủ chi tiêu sinh hoạt trong tháng cho gia đình. Tiền lương của chồng và khoản hỗ trợ thấp nghiệp của chị cộng vào được 20 triệu đồng/tháng, khoản tiền này chị dành riêng tiết kiệm, tuyệt đối không phải dùng tới.
“Sau dịch nếu tìm được công việc như ý, mình sẽ đi làm trở lại. Tuy nhiên, mình vẫn tranh thủ làm đồ ăn bán qua mạng bởi đó vừa là sở thích lại vừa giúp mình có thêm thu nhập”, chị Hương cho hay.
Thu Giang
Mất việc nhận trợ cấp 3 tháng lương, về bán bún chả bất ngờ trúng mánh
Làm marketing cho một doanh nghiệp tư nhân nước ngoài với mức lương 20 triệu đồng/tháng nhưng thất nghiệp do Covid-19, Hùng về nhà bán bún chả thu lãi bất ngờ.