Cuốn sách Mặt trái của công nghệ của tác giả Peter Townsend, do dịch giả Quế Chi dịch, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản vừa được giải B Giải Sách Quốc gia lần thứ 3 - cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu để làm rõ hơn bản chất của công nghệ và những tác động tiêu cực của công nghệ đến đời sống con người và xã hội, qua đó giúp chúng ta nâng cao nhận thức và có những hành động, giải pháp để hạn chế tối đa mặt trái của nó.
Cuốn sách vừa nhận giải B Giải Sách Quốc gia lần thứ 3. |
Với 15 chương, nội dung cuốn sách đã đề cập rất cụ thể về những tác động tiêu cực, mặt trái của công nghệ như: việc con người biết sử dụng than đá, phát triển mạnh khai thác khoáng sản, nhưng lại làm thay đổi điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu, nhiều thiên tai gây ra cho nhân loại; những phát minh, sáng chế liên quan đến chữ viết, giấy, da, thuốc kháng sinh, phim ảnh, mạng xã hội… ngoài những lợi ích vô cùng to lớn mang đến cho con người thì cũng có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, sự an toàn, những kỹ năng sống và văn hóa của các thành viên trong xã hội…
Cũng trong nội dung cuốn sách, tác giả cảnh báo, công nghệ có thể đem lại nhiều lợi ích cho sản xuất và đời sống nhưng không nên hoàn toàn phụ thuộc và bị động trước công nghệ, cần dự báo những rủi ro và có biện pháp đề phòng những thách thức, mặt trái mà công nghệ mang lại cả do lòng tham cũng như sự hiểu biết chưa đầy đủ của con người về công nghệ.
Sau gần nhiều năm nghiên cứu, chiêm nghiệm, cũng như việc tham gia nhiều hoạt động đa dạng trong các phòng thí nghiệm học thuật, công nghiệp và quốc gia trong hơn 15 lĩnh vực chủ đề Peter Townsend đã viết cuốn sách Mặt trái của công nghệ bằng chiều sâu lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn.
Cuốn sách mang tới cho người đọc một cái nhìn tổng quan, sáng tỏ, thấu đáo và rành mạch về những xu thế lớn đang diễn ra, cung cấp cho bạn đọc cách tư duy và phân tích những thay đổi có tính lịch sử do công nghệ tạo ra để chúng ta có thể cùng nhau bảo đảm lợi ích của công nghệ được chia sẻ đồng đều vì sự thịnh vượng chung của người dân. Bên cạnh đó, nội dung cuốn sách cũng góp phần nâng cao nhận thức về tác động của cuộc cách mạng lần thứ tư nói chung, tác động của công nghệ nói riêng ở Việt Nam.
Với cách trình bày logic, ngắn gọn, mang tính khái quát cao, cuốn sách nêu bật những vấn đề cốt lõi nhất cũng như tác động cơ bản của công nghệ đối với đất nước đang phát triển như Việt Nam. Có thể nói rằng, trong lúc cả thế giới đang ra sức chuẩn bị về mọi mặt cho sự “tấn công” như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0 thì đây là một tài liệu khảo hữu ích, cung cấp kiến thức có tính cập nhật, đáp ứng kịp thời nhu cầu bạn đọc.
Tình Lê
Đoàn binh Tây Tiến: Hành trình 67 năm từ tập di cảo tới tay bạn đọc
Cuốn 'Đoàn binh Tây Tiến' được nhà thơ Quang Dũng hoàn thành từ năm 1952. Đến năm 2019, sau 67 năm, bản thảo viết tay của tác giả mới được in và phát hành.