Ngày 16/4, Công an tỉnh Bình Phước tiếp nhận đơn của anh H.V.N. (ở phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành) trình báo về việc anh bị đối tượng sử dụng thủ đoạn mạo danh cơ quan công an gọi điện, yêu cầu xác nhận thông tin dữ liệu dân cư sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Cụ thể, đối tượng giả mạo cán bộ Công an thị xã Chơn Thành, sử dụng số điện thoại “rác” gọi cho anh N. để hướng dẫn xác nhận thông tin dữ liệu dân cư.

Sau đó đối tượng kết bạn với anh N. qua Zalo và gửi đường link dẫn vào website giả mạo có giao diện giống như cổng dịch vụ công và hướng dẫn anh N. truy cập, tải và cài đặt app “dịch vụ công” giả mạo.

Nghe theo đối tượng, anh N. đã khai và điền toàn bộ thông tin cá nhân vào app trên. Sau đó, anh N. phát hiện toàn bộ số tiền 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình bị trừ mất.

image 20240416163852 2.jpeg
Anh H.V.N. đến cơ quan công an trình báo vụ việc. Ảnh: Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước

Thủ đoạn mạo danh cán bộ công an, lừa cài app giả mạo cũng đã khiến nhiều người dân ở Hà Nội sập bẫy.

Công an TP Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ đồng; người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng.

Điển hình trong các bị hại là anh V. ở quận Long Biên. Sau khi truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo cán bộ công an phường cung cấp, tải app giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục, anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Tương tự, chị A. (quận Hai Bà Trưng) được một người đàn ông gọi điện xưng là cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng yêu cầu lên công an quận cập nhật thông tin bằng lái xe. Chị A. bận nên được cán bộ "rởm" này hướng dẫn cập nhật qua mạng.

Sau khi tải app dịch vụ công giả mạo do đối tượng cung cấp, chị A. đã bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Những chiêu trò lừa đảo tinh vi

Nói về vấn đề nêu trên, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law Firm) cho biết, Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý cơ sở dữ liệu điện tử liên quan đến các vấn đề quản lý dân cư, bảo hiểm xã hội... thông qua các ứng dụng (app).

Lợi dụng việc này, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra các app giả mạo, có tên gọi, hình ảnh tương tự như các app thật của cơ quan Nhà nước. Sau đó, chúng tăng cường quảng cáo các app này trên các nền tảng tìm kiếm, các kho ứng dụng.

Người dân có nhu cầu tải app để phục vụ công việc, khi tìm kiếm qua các công cụ, kho ứng dụng thì các app giả mạo này sẽ hiện ra mà người dân không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

moa danh ca 1713254183862.jpg
App mạo danh “Dịch vụ công” mà đối tượng yêu cầu anh H.V.N. cài đặt vào điện thoại. Ảnh: Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Phước

Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, không ít người dân vì thiếu hiểu biết đã nhấn vào đường link, cài đặt app giả mạo có chứa sẵn mã độc do các đối tượng cung cấp. Từ đó, họ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị dẫn đến mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Để điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng lừa đảo qua mạng thì không phải chuyện đơn giản.

Bởi vì, loại tội phạm này thường có tổ chức và ở nước ngoài. Chúng chiếm đoạt tiền của người dân rồi nhanh chóng tẩu tán bằng nhiều hình thức. Việc thu hồi lại số tiền đã mất là vô cùng gian nan.

Nữ luật sư đưa ra lời khuyên, người dân cần phải theo dõi các kênh thông tin truyền thông chính thống, tìm hiểu thật kỹ các app, web chính thống của Nhà nước để có thể minh định thật giả.