Lỗ hổng bảo mật
Thanh toán không cần tiếp xúc thông qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ rất nhanh chóng, dễ dàng và đã tỏ ra đặc biệt hữu ích trong thời kỳ đại dịch hiện nay. Để tăng cường bảo mật, thông thường người dùng phải nhập mã PIN, mã OTP được gửi về số điện thoại đăng ký trên thẻ để giao dịch một số tiền nhất định. Tuy nhiên, dù được các tổ chức phát hành thẻ, trung gian khẳng định bảo mật thẻ 2 lớp, công nghệ hiện đại bậc nhất bảo đảm an toàn, nhưng trên thực tế vẫn xuất hiện nhiều trường hợp thẻ bị "hack", tự động trừ tiền trên thẻ với các giao dịch online. Nếu hạn mức tín dụng cao có thể dẫn đến thiệt hại tài sản lớn với chủ thẻ.
Nhiều người bàng hoàng vì tiền trong thẻ tín dụng tự nhiên "bốc hơi" mà không biết vì sao |
Những trường hợp bất ngờ "bốc hơi" mất một khoản tiền trong thẻ tín dụng không phải là hiếm trong thời gian qua. Chia sẻ với báo chí, chị N.T.T.L tại Hà Nội cho biết, sáng 30/5, chị nhận được hàng loạt tin nhắn trừ tiền trong tài khoản thẻ Vietcombank MasterCard, thời gian từ 1h16 đến 1h33 sáng, có tất cả 7 giao dịch thành công bị trừ tiền, trong đó 3 giao dịch trừ 1 USD/lần và 4 giao dịch trừ 6 triệu đồng/lần. Mặc dù thẻ không bị mất và chị cũng không thực hiện giao dịch nào nhưng hơn 24 triệu đồng trong tài khoản đã không cánh mà bay. Đặc biệt, tất cả giao dịch này đều thanh toán cho dịch vụ quảng cáo trên Facebook mà không yêu cầu nhập mã OTP.
Sau khi mất tiền, chị L. đã gọi đến tổng đài Vietcombank và được hướng dẫn khiếu nại. Song chị L. không khỏi băn khoăn khi thẻ tín dụng được cất giữ cẩn thận nhưng vẫn bị lộ thông tin.
Một trường hợp khác là anh N.M.H cũng bị trừ tiền tại thẻ MSB Creditcard. Theo đó, năm trước anh H. có mua một dịch vụ trên internet và thanh toán bằng thẻ, sau một năm dịch vụ này tự động gia hạn mà không có thông báo với khách hàng, đồng thời trừ tiền trên thẻ cũng không yêu cầu mã OTP. Số tiền anh H. bị trừ mất 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng. Anh H. đã liên hệ với ngân hàng MSB để làm rõ giao dịch thì được trả lời là do anh không tắt chức năng gia hạn nên đến "hẹn" tài khoản sẽ tự động khấu trừ.
Giải thích về việc vì sao không cần mã OTP mà thẻ vẫn bị trừ tiền, phía ngân hàng cho biết, đây là do thoả thuận giữa nhà thanh toán với các đối tác bán hàng chứ không nằm ở phía ngân hàng.
"Sau khi nghe ngân hàng phân tích, tôi đã chấp nhận mất số tiền hơn 4 triệu đồng vì không thể đề nghị bồi hoàn. Nhưng sau đó, tôi cũng yêu cầu đóng thẻ vì cảm thấy quá rủi ro khi tài khoản cứ tự động trừ tiền cho những dịch vụ mình không sử dụng, không mong muốn, thậm chí là có thể bị mất dữ liệu về sau.", anh H chia sẻ.
Theo một chuyên gia phân tích, có 3 "thủ đoạn" để hack thẻ hiện nay, đó là:
Thứ nhất, hack trang web mua bán: Hackers công nghệ có thể lấy thông tin người dùng bằng cách hack trang web mua sắm, dịch vụ,… nơi khách hàng hay sử dụng thẻ tín dụng thanh toán. Một khi kẻ gian đã hack trang web thì tất cả thông tin trong web đó sẽ bị lấy đi, có nghĩa là có thể hàng trăm, hàng ngàn thông tin thẻ tín dụng đều bị ảnh hưởng.
Thứ hai, sử dụng máy quét dữ liệu thẻ (Skimming). Hình thức này ở nước ngoài rất phổ biến, nhất là khi tới nhà hàng, khách sạn, trong lúc đưa thẻ thanh toán đã bị đặt thiết bị quét dữ liệu mà người thanh toán không hề hay biết.
Thứ ba, kẻ gian sẽ đặt máy MP3 tại cây ATM, với máy MP3 này, khi khách hàng thực hiện giao dịch trên cây ATM, mọi tiếng động gõ phím sẽ được ghi lại và chuyển hóa thành các bộ số chính và mã pin thẻ của khách hàng.
"Lỗ hổng về bảo mật mà khách hàng hay gặp phải nhất đó là bị lộ số CVV/CVC2 là mã số bảo mật của thẻ tín dụng dùng trong thanh toán quốc tế, để xác minh quyền sở hữu thẻ của người dùng. Mã CVV/CVC gồm 3 chữ số được in ở phần dưới dải băng đen do ngân hàng phát hành thẻ cấp và quản lý giao dịch mỗi khi người dùng thanh toán hoặc chi tiêu trên thẻ. Cũng không loại trừ trường hợp, ngân hàng làm lộ thông tin của khách hàng, như trường hợp tại ngân hàng MSB làm lộ thông tin 2 triệu tài khoản khách hàng trước đây", vị chuyên gia phân tích.
Đi tìm giải pháp
Thời gian vừa qua, rất nhiều ngân hàng đã áp dụng phương thức 3D-Secure (3DS) là một lớp bảo vệ tăng cường cho các chủ thẻ khi giao dịch trực tuyến. Với phương thức này, khi thực hiện các giao dịch trên các website thương mại điện tử, bên cạnh các bước xác thực thông thường, ngân hàng sẽ gửi thêm mật khẩu giao dịch một lần (OTP) qua tin nhắn hoặc email để khách hàng nhập và hoàn tất giao dịch.
Có nhiều nguyên nhân gây lộ thông tin khách hàng, bao gồm cả trách nhiệm của những nhà thanh toán khi giám sát lỏng lẻo các giao dịch |
3DS đảm bảo rằng chỉ có khách hàng, với tư cách là chủ thẻ, sẽ có mật khẩu để hoàn tất giao dịch đó. 3DS được các tổ chức thẻ quốc tế áp dụng và có tên gọi khác nhau như Safe Key (Amex), Verified by Visa (Visa), Mastercard SecureCode hoặc Master ID check (Mastercard), J-Secure (JCB).
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc không áp dụng 3DS là do thỏa thuận giữa Visa, MasterCard với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Cụ thể, với các doanh nghiệp lớn đã được xác thực danh tính (verified merchant) như Facebook, Google, Apple…, các giao dịch đều không đòi hỏi mã OTP. Đây cũng là kẽ hở nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo.
"Ngân hàng muốn áp dụng 3DS để an toàn cho khách hàng, nhưng các đơn vị cung cấp dịch vụ không hỗ trợ, thì ngân hàng cũng không có cách nào. Dù vậy, nếu khách hàng phát hiện và khiếu nại sớm, chúng tôi sẽ phối hợp với Visa, MasterCard điều tra và gần như 100% giao dịch liên quan đến Facebook, Google, Apple… đều được hoàn lại trong vòng 30 - 90 ngày, đồng thời cấp thẻ mới cho khách hàng", vị lãnh đạo khẳng định.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Tài chính Thế hệ mới cho rằng, việc lộ thông tin bảo mật thẻ tín dụng không chỉ xuất phát từ lòng tham của các tin tặc mà một phần nguyên nhân cũng do người dùng không cẩn trọng trong việc bảo mật. Người dùng cần lưu ý một số điều sau để bảo mật thông tin thẻ an toàn:
Một là cần dán nhãn che 3 số bí mật sau thẻ (mã số CVV/CVC) hoặc ghi nhớ rồi xóa đi.
Hai là khi sử dụng thẻ tín dụng, hãy chắc chắn rằng thẻ của mình được bảo mật trước sự quan sát của người khác cũng như không cho người khác mượn thẻ tín dụng cá nhân để thanh toán, hoặc đưa thẻ thanh toán cho nhân viên phục vụ làm giúp mình.
Ba là, không truy cập vào những đường link lạ, không sử dụng các phần mềm lậu do dễ bị cài phần mềm đánh cắp thông tin tài khoản (malwave).
Bốn là, nếu thường xuyên thực hiện các giao dịch tài chính cần sử dụng các chương trình Antivirus để đảm bảo máy tính sạch, không nhiễm trojan, keylogger đồng thời cần bật chức năng chống giả mạo (Anti Phising) để đảm bảo an toàn khi truy cập các trang ngân hàng điện tử.
Năm là, sau khi đăng nhập vào các tài khoản ngân hàng, cần đăng xuất ngay và tránh đánh dấu vào tiện ích lưu mật khẩu trên trang.
Sáu là, không can thiệp vào hệ điều hành của điện thoại như root máy với Android hay jailbreak với iPhone, những hành vi này làm vô hiệu hóa khả năng bảo mật của máy.
Còn đối với các ngân hàng, cần thiết phải xây dựng hệ thống xác thực 3D-Secure cho thanh toán qua thẻ tín dụng, cũng như hệ thống cảnh báo, phát hiện giao dịch bất thường và có quy trình hỗ trợ khách hàng thương lượng với bên cung cấp sản phẩm để hoàn toàn cho khách hàng nếu có thể.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
Chiêu thức tinh vi giả mạo ngân hàng lừa đảo người dùng
Các đối tượng lừa đảo dùng chiêu thức lập website hay giả mạo tin nhắn ngân hàng rồi dẫn dụ người dùng truy cập vào đường link để chiếm đoạt tiền trong tài khoản, lấy cắp thông tin người dùng.