Bị cuốn vào vòng xoáy trả nợ, anh N.T. (Hà Nội) liên tục vay từ ứng dụng (app) này để bù vào ứng dụng khác, với tổng số lên tới gần 50 ứng dụng vay tiền. Từ số tiền nợ gốc ban đầu khoảng vài chục triệu, hiện anh T đã nợ khoảng trên 150 triệu đồng.
Vay tiền qua app, lãi mẹ đẻ lãi con |
"Cắt phế" khủng, ép phí phạt "cắt cổ" vẫn chưa đáng sợ bằng việc các ứng dụng này kiểm soát "con nợ" và thông tin về đời sống người vay. Vì theo anh T, mọi chuyện không chỉ đơn thuần là nhắn tin, gọi điện dọa cắt gân tay chân.
Nhớ lại lần vay đầu tiên, anh T nói: "Việc vay tiền qua app không mất nhiều thời gian, làm hồ sơ buổi sáng thì chiều đã có thể nhận tiền. Người vay chỉ cần cung cấp số tham chiếu (số điện thoại người thân) và được nhân viên gọi điện hỏi về thu nhập. Từ những lần vay sau, tôi chỉ cần đăng ký tên là có tiền".
Thế nhưng, điều đáng nói theo anh T là khi cài đặt ứng dụng vay tiền, các ứng dụng này sẽ bắt người dùng cấp quyền truy cập danh bạ, quyền truy cập vào hình ảnh, video, ghi âm cuộc gọi và các thông tin trong điện thoại.
Các app mà anh T đã sử dụng để vay tiền |
"Tôi gọi cho ai, ai gọi lại, tên tuổi ở đâu, mối quan hệ thế nào đều bị các ứng dụng này thu thập. Tôi chậm trả tiền thì nhân viên của các ứng dụng này đã gọi điện đến cho bố mẹ, vợ, em gái, thậm chí bạn bè tôi để dọa nạt", anh T cho hay.
Khi có cuộc gọi từ nhân viên đòi nợ, bạn anh T trả lời đã lâu không liên lạc, nhưng nhân viên của ứng dụng cho vay còn đọc rõ cả thời gian cuộc gọi giữa 2 anh cách đó 2 tuần. Thậm chí, bạn bè trên zalo của anh T cũng bị "hỏi thăm".
Đội nhân viên đòi nợ còn ghép ảnh của vợ con anh T với bố mẹ và bạn bè, sau đó lấy ảnh để bình luận tại tài khoản Facebook cá nhân của bạn bè vợ chồng anh T. Nội dung ảnh ghép sỉ nhục, lăng mạ và mạt sát cả những người không liên quan.
Nhân viên ứng dụng cho vay lấy ảnh ghép đi bình luận tại Facebook của bạn bè anh T. Nhiều người không tin vào điều đó nên đã trả lời lại. (Toàn bộ ảnh phải làm mờ vì anh T sợ bị các đối tượng này trả thù). |
Chưa dừng lại ở đó, hệ lụy đáng sợ của vay tiền qua ứng dụng online chính là việc các ảnh, video trong điện thoại bị các đối tượng cho vay kiểm soát. Theo đó, anh T cho biết, các đối tượng dọa sẽ đăng ảnh tế nhị trong điện thoại của anh lên mạng nếu tiếp tục chậm trả tiền.
Hiện tại, anh T đã phải dùng điện thoại khác để tránh bị kiểm soát các thông tin. Tuy nhiên, các dữ liệu trước đây của anh đều đã bị các ứng dụng này thu thập.
Quá sợ hãi trước các thủ đoạn đòi tiền, anh T đã thương lượng với một số ứng dụng để xin trả gốc. Nhân viên các ứng dụng này bên ngoài giả vờ đồng ý, nhưng khi anh T chuyển đủ tiền gốc thì lại lấy lý do không xin được sếp duyệt, nên anh T vẫn tiếp tục phải đóng tiền phạt.
Các ứng dụng vay tiền có kiểu đòi nợ thời 4.0 |
Số tiền phạt cứ thế nhảy múa trong ứng dụng khiến anh T không biết phải xoay sở ra sao. Thậm chí, có những lúc anh T đã có những ý nghĩ tiêu cực.
Việc không tìm hiểu kỹ trước khi vay tiền tại những ứng dụng này đã khiến cuộc sống của anh T vô cùng bế tắc. Dù chưa tìm được lối thoát, nhưng anh hi vọng sẽ không có ai mắc phải những sai lầm tương tự như anh.
Cũng đang vay tiền qua app như anh T, nhưng vợ chồng anh V.M.N. ở Hà Nội (tên nhân vật đã thay đổi - PV ) thậm chí còn vay tiền của khoảng 100 ứng dụng. Anh T chỉ vay tiêu dùng cho cá nhân, còn vợ chồng anh N thậm chí còn vay để tiêu dùng cho cả gia đình.
Do đó, thay vì vay mỗi ứng dụng 1 triệu đồng - 2 triệu đồng thì vợ chồng anh N vay 3 triệu đồng - 5 triệu đồng. Tính qua, gốc vay của anh đã lên tới trên 300 triệu đồng. Nếu không đóng tiền đúng hạn thì chỉ sau khoảng 10 ngày, số tiền nợ sẽ có thể nhân lên gấp đôi.
Sau khi trả tiền phạt nhiều lần, vợ chồng N đã không thể gồng gánh nổi và xin chỉ trả tiền gốc. Nhưng tương tự như anh T, các ứng dụng lại sử dụng chiêu bài giả vờ đồng ý để chủ nợ trả tiền gốc, nhưng vẫn tiếp tục tính phí phạt.
Rơi vào vòng luẩn quẩn do thiếu hiểu biết, nhiều gia đình còn phải tính chuyện bán nhà để trả dứt điểm, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống.
(Theo Dân Trí)