Một nữ nạn nhân chia sẻ: Khi tôi truy cập vào thì thấy giao diện website rất giống với ngân hàng. Trên website yêu cầu tôi phải đăng nhập các thông tin và mật khẩu, mã OTP. Sau đó họ đã kiểm soát tài khoản của tôi.
Đó là lời tâm sự của một nữ đã mất gần 200 triệu đồng vì tin vào kịch bản mà các đối tượng đã tạo dựng, cùng với việc lừa đảo theo hình thức trúng thưởng, khuyến mại thủ đoạn giả mạo website của các ngân hàng cũng là hình thức lừa đảo khá phổ biến hiện nay. Chỉ cần người dân truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn. Lúc này, hệ thống sẽ tự động hiển thị trang web giả mạo, có giao diện, lô-gô tương tự của ngân hàng và yêu cầu điền các thông tin như số điện thoại, mật khẩu.
Khi nhập các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của người dân. Bằng phương thức, thủ đoạn này, nhiều người đã bị chiếm đoạt số tiền rất lớn trong tài khoản.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar cho biết: Khi có ngườihoặc truy cập vào trang web thì mã độc hại nó sẽ tìm cách thả một file máy tính vào từng người dùng. Mã này nó sẽ thu thập được thông tin, khi chúng ta gõ mật khẩu hay màn hình cũng được chụp lại gửi về cho hacker.
Mới đây, một trang web lừa đảo, được gọi là sàn Hitoption đã bị lực lượng Công an đã đấu tranh triệt xóa. Các đối tượng đã quảng cáo là “công nghệ robot tự động” người chơi nộp tiền và chỉ cần đoán đúng các lệnh là sẽ tạo ra lợi nhuận 15-30%/tháng.
Những đối tượng này còn thường xuyên đăng ảnh người chơi nhận lãi khủng, mua nhà…và đã dụ lừa được hàng nghìn người tham gia. Đây chỉ là một trong nhiều hình thức mà những đối tượng xấu sử dụng dụ dỗ, lừa đảo người dân trong thời điểm nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh covid -19.
Thượng tá Dương Nguyễn Chính, Trưởng phòng Phòng ngừa Đấu tranh chống TNXH Cục CSHS, Bộ Công an cho biết: Lỗ hổng trên mạng cần sớm ngăn chặn và chúng tôi khuyến cáo người dân không nên đầu tư ở các sàn này bởi các sàn này chưa được cấp phép quyền lợi người dân không được đảm bảo.
Ngoài ra, thủ đoạn chiếm đoạt quyền sử dụng facebook sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của nạn nhân hỏi vay tiền cũng là một trò lừa đảo khá phổ biến thời gian qua. Như vụ việc 7 đối tượng trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bị công an huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để lừa đảo cách đây không lâu.
Ngoài vụ việc chiếm đoạt 47 triệu đồng của một nạn nhân tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm 7 đối tượng này cho tới khi bị bắt đã thực hiện trót lọt 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng của hàng trăm nạn nhân tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Điều đáng nói là các đối tượng này đều có tuổi đời còn rất trẻ.
Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, để tránh được những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội bằng công nghệ cao, người dân nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng bảo mật hai lớp (đăng nhập bằng mã xác nhận gửi về số điện thoại đăng ký tài khoản) cho tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Tuyệt đối không truy cập vào các trang mạng không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng và chuyển tiền cho các tài khoản không rõ nguồn gốc.
(Theo ANTV)
Cần chú ý gì khi giao dịch ngân hàng điện tử mùa dịch Covid-19?
Tội phạm có nhiều thủ đoạn mới, nhắm đến khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.