Với thu nhập bình quân/người mỗi năm hiện nay của người Việt là 45,7 triệu đồng, tức là khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, thì phải mất khoảng 11 năm không ăn tiêu, người Việt mới có thể mua được 1 chiếc xe ô tô nhập khẩu.

Năm 2015 là năm được mùa của giới xe nhập tại Việt Nam, khi thị trường xe nhập tiêu thụ khá tốt dù cho xe lắp ráp trong nước của các thương hiệu lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chiếm thị phần lớn. Song không vì vậy mà người Việt phớt lờ xe nhập. Bằng chứng rõ nét là lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam đang ngày càng tăng lên về số lượng lẫn giá trị. Ngoài thị trường, các showroom xe nhập tư nhân (không phải đại lý chính hãng của các dòng xe nhập) được lập ra mỗi ngày nhiều hơn.

{keywords}
Sở hữu xe ô tô vẫn luôn là mơ ước của nhiều người Việt Nam khi ô tô vẫn được coi là tài sản, thay vì phương tiện như nhiều quốc gia khác

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2015, lượng và giá trị nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc về Việt Nam gần gấp 2 lần so với năm 2014 và gấp hơn 3 lần so với các năm 2013. Thống kê năm 2015 Việt Nam chi 3 tỷ USD để nhập khẩu hơn 125.000 chiếc xe ô tô về Việt Nam, trung bình mỗi ô tô nhập khẩu về Việt Nam có mức giá hơn 500 triệu đồng/chiếc.

Tính ra, với mức thu nhập trên, để sở hữu ô tô nhập tại Việt Nam, người Việt phải mất 11 năm không ăn tiêu mới đủ tiền để mua xe hơi nhập khẩu.

Trên thực tế, giá xe hơi khi cộng tất cả các khoản như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và các chi phí bảo trì, bảo hiểm… ở Việt Nam vẫn được xem là quốc gia có giá xe đắt đỏ trong khu vực.

Tại ASEAN, nhiều nước thu nhập bình quân đầu người bằng hoặc ít hơn như Campuchia hoặc Myanmar, giá xe cũng rẻ hơn so với Việt Nam, do mức thuế nhập khẩu thấp, mức thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích dưới 2.000 cm3 chỉ bằng 1 nửa so với Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Tài Chính đưa ra, mức thuế TTĐB, loại thuế chuyên biệt do mỗi nước xây dựng với dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi, dung tích dưới 2.000 cm3 trở xuống. Mức thuế tại Việt Nam hiện là 45%, chỉ thấp hơn Lào (65%), Malaysia (90%) còn cao hơn nhiều so với các nước Campuchia (30%), Myanmar (25%) hay thậm chí gấp đôi Singapore (20%).

Người tiêu dùng Việt Nam từng kỳ vọng sẽ có cơ hội sở hữu xe ô tô giá rẻ khi thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN sẽ được xóa bỏ từ năm 2018 trở đi. Bên cạnh đó, tháng 10/2015, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo giảm thuế TTĐB với dòng xe dưới 2.000 cm3 xuống còn 25% để trình Quốc hội thông qua. Trước thông tin này, thị trường và người tiêu dùng rất hồ hởi.

Tuy nhiên, "niềm vui sớm chẳng tày gang", dự thảo này bị hoãn thông qua, một lần nữa, người tiêu dùng lại mừng hụt và tan giấc mộng ô tô giá rẻ.

Ngày 19/1/2016 vừa qua, cơ quan soạn thảo đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB với ô tô, trong đó xe có dung tích dưới 1.500 cm3 sẽ không được chia thành 3 nhóm như đề xuất trước đó mà chỉ còn hai nhóm thuế. Theo đó, ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống, mức thuế TTĐB chỉ giảm lần lượt 5% trong các năm 2016 - 2018. Cụ thể, từ tháng 7/2016, thuế TTĐB đối với dòng xe này sẽ giảm từ 45% như hiện nay xuống còn 40%, từ tháng 1/2018 sẽ giảm tiếp 5% xuống còn 35%.

Với dòng xe từ 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, từ năm 2018 mức thuế TTĐB sẽ giảm thêm 5% xuống còn 40%. Từ dòng xe 2.000 cm3 trở lên, mức thuế TTĐB sẽ được giữ nguyên.

Theo đánh giá của các chuyên gia, do xe ô tô có dung tích dưới 2.000 cm3 có mức giá trung bình và chấp nhận được nên đại đa số người dân Việt Nam sở hữu các loại xe hơi có dung tích này. Do đó, thông tin chỉ giảm 5% thuế TTĐB với dòng xe này trong thời gian tới đây khiến người có ý định mua và sở hữu xe tại Việt Nam khá thất vọng.

Theo Dân Trí