Câu hỏi 1: Nếu gần nhà bạn có một nhà hàng, đồ ăn vừa đắt vừa không ngon, trên bàn gián bò khắp nơi, bạn có chọn đến hết lần này đến lần khác vì nó gần không?
Nhưng cùng tình huống đó, chúng ta hãy đổi sang một trường hợp khác và so sánh xem sao.
Không ít người từng oán trách người yêu, vợ hoặc chồng tồi tệ, sống vô trách nhiệm… Biết rõ ở bên nhau chẳng có kết quả gì tốt đẹp, oán trách đã nhiều hơn yêu nhưng vẫn "không biết vì sao" vẫn buộc chặt họ với mình, không chia tay. Nói thẳng ra là bởi những người đó vì không cam tâm, vì đã quen rồi.
Và như thế, tình huống này liệu có khác gì việc chúng ta biết rõ nhà hàng kia tồi mà vẫn ghé qua hết lần này đến lần khác?
Lời bình: Làm người, cớ sao cứ phải gồng mình lên để sống thay vì chọn một cách sống thoải mái, dễ chịu hơn cho cả bản thân và người khác?
Câu hỏi 2: Nếu không cẩn thận làm rơi mất 100 nghìn đồng, chỉ biết là hình như rơi ở nơi nào đó mình đã đi qua, bạn có bỏ ra 200 nghìn đồng tiền đi lại để đi tìm lại số tiền đã mất hay không?
Câu trả lời: Đây thật là một câu hỏi ngu ngốc.
Thế nhưng, những chuyện tương tự như việc bỏ 200 nghìn đồng ra để đi tìm lại 100 nghìn đồng đã mất lại thường xuyên diễn ra trong cuộc sống này, bạn có tin không?
Không ít người khi làm một việc gì đó sai, biết rõ là mình sai nhưng có chết cũng không nhận, thế nhưng ngược lại, họ lại bỏ rất nhiều thời gian ra để tìm cách chống chế, nói dối, bao biện, khiến ấn tượng của người khác về họ mỗi lúc một xấu.
Hay có những người bị người khác mắng chỉ một câu nhưng không ít người mất không biết bao nhiêu thời gian buồn bã.
Những tình huống này, nào có khác gì việc chúng ta mất tiền và bỏ thêm tiền ra để tìm số tiền đã mất dù chưa chắc chắn kết quả có như ý hay không?
Có những người vì một việc gì đó mà bốc hỏa, vừa làm tổn thương người khác, vừa làm tổn thương bản thân, không tiếc thời gian, công sức chỉ để báo thù, đây chẳng phải chuyện vô cùng nhạt nhẽo và vô vị hay sao?
Lại có những người đánh mất tình cảm của một người, biết rõ không thể cứu vãn nhưng vẫn cứ ủ rũ, phiền muộn, thậm chí buồn đến vài năm vẫn mượn rượu giải sầu, liệu có đáng? Trong khi đó, cách này cũng chẳng có tác dụng, chỉ khiến bản thân thêm tổn thất càng nhiều.
Lời bình: Làm người, cớ sao phải làm khó bản thân?
Câu hỏi 3: Có khi nào vì ngày nào xem báo cũng thấy có tai nạn giao thông mà không dám ra đường?
Câu trả lời: Hỏi gì mà lạ vậy? Tất nhiên là không rồi.
Thế nhưng, không ít người lại nói: Bây giờ tỉ lệ ly hôn cao như vậy khiến tôi không dám yêu. Lại có không ít phụ nữ đọc báo thấy những chuyện tương tự lại lo lắng về chồng mình. Phản ứng này nào có khác gì việc xem báo, thấy nhiều tai nạn giao thông mà không dám ra đường?
Cái gọi là lạc quan chính là cần phải có niềm tin. Mặc dù biết đường nhiều nguy hiểm nhưng tôi vẫn có thể qua ngã tư an toàn, chỉ cần cẩn thận một chút là được, không cần thiết phải sợ.
Lời bình: Làm người, trước tiên cần phải tin vào bản thân.
Câu hỏi 4: Bạn có nghĩ rằng vì thời gian của bạn có thừa, thế nên việc bạn muốn làm nhất cũng không nhất thiết phải làm ngay, để đó thêm một thời gian nữa cũng không sao?
Câu trả lời: Không, có kẻ ngốc mới nghĩ vậy.
Thế nhưng chúng ta lại thường xuyên nói rằng: Đợi sau này về già sẽ nghỉ ngơi, đi đây đi đó; đợi tôi nghỉ hữu sẽ làm việc này việc kia; đợi bọn trẻ lơn thêm tí nữa, tôi có thể…
Mỗi chúng ta đều cho rằng bản thân mình còn nhiều thời gian và sức lực, song thực chất, thời gian của con người là có hạn, đời người vô thường, chẳng ai có thể nói chắc được điều gì trong tương lai.
Thế nên, đã có kế hoạch, muốn làm việc gì đó, nhất là việc mình khát khao nhất, mong muốn nhất, hãy biến nó thành hiện thực càng sớm càng tốt.
Nếu không thể thực hiện trọn vẹn trong một lúc, chúng ta có thể từng bước từng bước thực hiện lý tưởng của mình mà không cần phải đợi đến một lúc nào đó mới làm, mới bắt đầu.
Nếu hiện tại đã có thể từng bước tiếp cận những mục tiêu đặt ra, chúng ta sẽ không phải đối diện với tình huống: Sống đến nửa đời người lại phải đón nhận một cái kết không mong muốn nhất.
Lời bình: Làm người, không thể dừng mãi ở một chỗ và chờ đợi.
Theo GenK