Những thách thức về an toàn và bảo mật của thanh toán số
Sự tăng trưởng nhanh chóng của hình thức thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn và bảo mật giao dịch, trong đó ngành tài chính ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng và ngân hàng trước các rủi ro rò rỉ thông tin.
Mặc dù các biện pháp bảo mật đã được thắt chặt hơn, tội phạm mạng liên tục khai thác các đổi mới kỹ thuật số để phát triển và cải tiến các thủ thuật, cách thức lừa đảo ngày càng tinh vi nhằm xâm nhập hệ thống và xâm phạm thông tin nhạy cảm. Dữ liệu toàn cầu vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại, với hơn 30.000 vụ tội phạm mạng được phát hiện trên toàn thế giới từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2023. Ngành tài chính đứng thứ hai trong số các ngành bị tấn công nhiều nhất, cho thấy tính cấp thiết của việc bảo mật an ninh cho hệ thống thanh toán số.
Ở Đông Nam Á, Việt Nam đã trở thành mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tấn công mạng, đứng thứ ba khu vực vào năm 2022. Ngành ngân hàng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với các kế hoạch lừa đảo tinh vi, các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại và vi phạm dữ liệu ngày càng trở nên phổ biến. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy có hơn 95% các hoạt động tấn công lừa đảo trong nửa đầu năm 2023 tại Việt Nam là nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và tài chính.
Ứng dụng công nghệ đảm bảo bảo mật thanh toán
Là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu, Mastercard đầu tư mạnh vào công nghệ và quan hệ hợp tác chiến lược để đảm bảo một hệ sinh thái thanh toán số an toàn. Trong 5 năm qua, công ty đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào phát triển công nghệ, mua lại và đầu tư vào các công ty start up công nghệ. Những nỗ lực này đã giúp ngăn chặn thiệt hại 35 tỷ USD do tấn công mạng trong 3 năm qua.
Cụ thể, Mastercard đã hợp tác chiến lược với Vesta, tích hợp các giải pháp bảo đảm thanh toán™ và bảo vệ thanh toán của Vesta vào nền tảng Dịch vụ Thanh toán Cổng Mastercard (MGPS). Đặc biệt, bắt đầu từ nửa cuối năm 2023, khách hàng MGPS ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có quyền truy cập tùy chọn vào cả hai giải pháp chống gian lận nhằm mang lại sự bảo vệ toàn diện cho các giao dịch thương mại điện tử của họ và giảm chi phí do gian lận xuống bằng 0.
Ngoài ra, Mastercard đã có một bước tiến quan trọng trong phát hiện gian lận tài chính bằng việc sử dụng công nghệ AI tiên tiến. Công nghệ AI tạo sinh (generative AI) đã tăng gấp đôi tốc độ xác định thẻ bị xâm phạm, giảm tới 200% các kết quả giả trong phát hiện gian lận, đồng thời đẩy nhanh việc xác định những chủ thẻ có nguy cơ hoặc bị xâm phạm lên tới 300%. Bằng cách dự đoán nhanh chóng chi tiết thẻ đầy đủ của các thẻ bị xâm phạm được tìm thấy trên các trang web bất hợp pháp, Mastercard giúp các ngân hàng nhanh chóng chặn các thẻ này và giảm thiểu rủi ro giao dịch gian lận.
Song song với việc ứng dụng AI tạo sinh nhằm bảo mật trong thanh toán trực tuyến, Mastercard cũng tiến hành nhiều giải pháp bảo mật khác cho người dùng. Tại hội thảo "Nâng cao an toàn và bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt" trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt 2024, bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết công ty này cũng đang cung cấp các giải pháp bảo mật cho chủ thẻ, như “thẻ không số” (thẻ được thiết kế không có số thẻ) và mã hóa thông tin thẻ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức người dùng về bảo mật, Mastercard cũng cam kết bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Vừa qua, Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard và data.org khởi động cuộc thi “Thử thách Trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy hòa nhập” (Thử thách AI2AI) khuyến khích các ứng dụng AI an toàn và đáng tin cậy nhằm hỗ trợ cộng đồng và mọi người. Thử thách AI2A sẽ giúp tìm ra các giải pháp có khả năng nhân rộng quy mô giúp hiện thực hóa triển vọng và tiềm năng của AI để mang lại lợi ích cho xã hội. Dự án đoạt giải sẽ nhận được tài trợ để phát triển và mở rộng quy mô giải pháp, được cố vấn về chuyên môn và kỹ thuật từ Mastercard và data.org, cũng như có cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên và chương trình của Mastercard, như Start Path. Các tổ chức tham gia cuộc thi cần chứng minh được mức độ thành công của các giải pháp trí tuệ nhân tạo cũng như mức độ sẵn sàng nhân rộng quy mô khi các giải pháp này nhận được sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính và kỹ thuật. Để tìm hiểu thêm thông tin về cuộc thi, truy cập https://data.org/impact-ai-challenge/. Hạn nộp hồ sơ: 6h sáng ngày 19/7/2024 (giờ Việt Nam) |
Ngọc Diệp