Tuần qua, Masan có cuộc họp với các chuyên viên phân tích về cơ hội phát triển mảng bán lẻ sau khi nhận sáp nhập Vincommerce.
Theo thông tin từ buổi thảo luận, Masan Group sẽ thành lập một pháp nhân mới trong năm 2020 sở hữu 83,74% tổng số cổ phần của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) và 85,7% vốn Masan Consumer Holdings. Masan Group là công ty mẹ sở hữu 70% cổ phần và phát hành quyền chọn cho các bên bán VCM nắm giữ tổng cộng 30%. Các bên bán ở đây gồm Vingroup (64,3%) và các nhà đầu tư khác 19,44% trong khi quỹ đầu tư chính phủ Singpore (GIC) không hoán đổi mà giữ nguyên 16,26 cổ phần VCM.
VCM nắm giữ 100% VinCommerce - công ty sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ và VinEco.
Ban lãnh đạo Masan quyết định để các công ty VinCommerce, VinEco và Masan Consumer tiếp tục là các công ty hoạt động độc lập với nhau, nhưng sẽ tương hỗ nhau để cạnh tranh được trên thị trường bán lẻ đầy khốc liệt. VCM sẽ coi Masan Consumer như một đối tác, một nhà cung cấp bình đẳng như các nhà cung cấp khác.
Masan khẳng định việc kết hợp với Vingroup sẽ làm cộng hưởng thế mạnh của mỗi bên, khi Vingroup đang dẫn đầu thị trường trong mảng bất động sản và bán lẻ, trong khi Masan đang là công ty sản xuất hàng tiêu dùng số 1 Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm phát triển thương hiệu và là người tiên phong trong thị trường cung cấp thịt mát.
Doanh thu Vinmart+ tăng trưởng 93% năm 2019
Hiện nay Vincommerce đang sở hữu 3.022 siêu thị Vinmart và Vinmart+, tăng trưởng doanh thu năm 2019 đạt 65%, lợi nhuận được cải thiện và tiến tới sẽ đạt điểm hòa vốn vào năm 2020.
Số liệu nghiên cứu của Masan cho thấy, mặc dù ra đời cùng thời điểm với Bách hóa xanh của Thế giới di động, doanh thu của Vincommerce năm 2019 đạt khoảng 26.000 tỷ, gấp đôi của Bách Hóa xanh nhưng vẫn kém xa so với doanh thu 35.000 tỷ của Saigon Coop.
Tỷ suất doanh thu trên mỗi cửa hàng của Vinmart thấp hơn so với các siêu thị trong TP.HCM
Ở thời điểm 2019, nếu tính về tỷ suất doanh thu trên mỗi của hàng, Vinmart và Vinmart+ vẫn đang thấp hơn so với Bách hóa xanh và thấp hơn nhiều so với Coopmart.
Vinmart hiện nay đang dẫn đầu mảng siêu thị ở Hà Nội, doanh thu trên mỗi mét vuông 1 tháng của một cửa hàng ở Hà Nội năm 2019 đạt 6,2 triệu đồng, cao hơn gần 9% so với khu vực khác, trong khi con số này của Vinmart+ là 8 triệu/m2/tháng, gần gấp đôi các khu vực khác.
Hiệu quả kinh doanh của Vinmart tại Hà Nội vượt trội hơn so với các cửa hàng tại TP.HCM và các tỉnh (nguồn: Masan)
Trong năm qua, VinEcommerce đẩy mạnh phát triển Vinmart+ ở các tỉnh, số lượng cửa hàng tăng gấp 2,5 lần năm 2018, trong khi các siêu thị lớn Vinmart không tăng quá nhiều. Chỉ tính riêng quý 4/2019, đã có 600 cửa hàng Vinmart+ và 14 siêu thị Vinmart được mở, điều này đã khiến doanh thu từ Vinmart+ tăng 93% trong năm 2019, trong khi Vinmart tăng khoảng 44%.
Sẽ đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả
Mặc dù vẫn đang lỗ, biên lợi nhuận của các cửa hàng Vinmart+ đang được cải thiện đáng kể trong 3 năm qua.
Nguồn: Masan
Mục tiêu năm 2020, Vinmart sẽ tập trung cải thiện lợi nhuận thay vì mở rộng ồ ạt như trước và sẽ đóng cửa một số cửa hàng không hiệu quả, dự kiến mở mới 10-30 siêu thị Vinmart và 100-300 cửa hàng Vinmart+.
Masan sẽ đóng cửa 150-300 cửa hàng Vinmart+ kém hiệu quả trong năm 2020
Chuỗi này sẽ tập trung vào các siêu thị dưới 1.500m2 mang lại doanh thu tốt nhất, cắt giảm các siêu thị kém hiệu quả ở Hà Nội, TP HCM, Nha Trang và Cần Thơ; mở rộng vào các thành phố cấp 2 (Tier2) và nằm trong các trung tâm thương mại Vincom.
MeatDeli sẽ chiếm 50% thị phần thịt trong các siêu thị Vinmart
Mục tiêu của Masan muốn tăng cường các sản phẩm tươi sống trong các siêu thị Vinmart và Vinmart+ từ 30% năm 2019 lên 35%, do đó từ năm 2020, các sản phẩm của MeatDeli sẽ chiếm khoảng 50% thị phần thịt tươi sống trong các siêu thị trong khi các sản phẩm rau của VinEco sẽ chiếm khoảng 40%. Doanh thu của VinEco sẽ tăng gấp 3 trong năm 2020, từ 1.200 tỷ lên 3.200 tỷ trong khi doanh thu của MeatDeli sẽ tăng lên 2.200.
Mục tiêu 2020: 42.000 tỷ doanh thu, tiến tới hòa vốn
Masan đặt mục tiêu năm 2020 doanh thu của Vinmart sẽ tăng 48%, tăng trưởng các cửa hàng hiện hữu 24% trong khi con số này của Vinmart+ là 78% và 25%.
Tổng doanh thu của Vincommerce đạt 42.000 tỷ, tăng 61,5% so với năm 2019 trong đó 17.000 tỷ đến từ chuỗi siêu thị Vinmart và 25.000 tỷ còn lại đến từ các cửa hàng Vinmart+. Masan cũng đưa ra mục tiêu chuỗi siêu thị sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh, tiến đến lỗ 3% hoặc hòa vốn trong năm 2020.
Mục tiêu 42.000 tỷ hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+
Hệ thống siêu thị sẽ được cải tổ và số hóa, trong đó hàng tồn kho sẽ được quản lý theo thời gian thực, áp dụng công nghệ trong trải nghiệm mua hàng như Scan&go, kết hợp mô hình O2O Retail (online to offline)..dự kiến Masan sẽ đầu tư 15 triệu USD để nâng cao tính hiệu quả hoạt động của nền tảng này.
Trí Thức Trẻ