Cứ có tiền tỷ lại ôm đi mua đất
Những ngày đầu tháng 4, dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam trên đồi xanh bạt ngàn, lão nông Đỗ Quý Hạnh - người dân tộc Thái ở bản Pa Cốp (Vân Hồ, Vân Hồ, Sơn La) khoe, tất cả đều canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ nên vụ vừa qua bội thu, lãi lớn.
Ông Hạnh hiện là Phó chủ nhiệm HTX Nông trại hữu cơ Pa Cốp. HTX có 10 thành viên đang canh tác trồng 23 ha trồng cam đường Canh, 4 ha trồng cam Vinh và 20 ha trồng mận. Riêng gia đình ông trồng 9 ha cam đường Canh, 2 ha nhãn muộn và 6 ha xoài ngọt.
Ông cho biết, nhiều thành viên HTX đã chuyển hướng sang canh tác xanh, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ; nhờ vậy giảm được chi phí phân bón, bảo vệ đất và môi trường, năng suất cây ăn quả tăng cao.
Trước đây, gia đình ông Hạnh cũng như mọi hộ dân ở Pa Cốp trồng cam hay các cây ăn quả phải lệ thuộc quá nhiều vào phân bón vô cơ, chi phí cao. Chưa kể, đất dễ bị thoái hóa, cây ăn quả năm được năm mất. Từ khi chuyển sang canh tác theo chuẩn hữu cơ, chi phí phân bón giảm một nửa, đất đai tơi xốp, phì nhiêu. Ra vườn đồi cũng cảm nhận thấy không khí trong lành hơn.
“Các thành viên HTX luôn coi trọng sản xuất cam theo quy trình xanh, sạch, không sử dụng thuốc BVTV và phân hóa học, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất cũng như người sử dụng sản phẩm. Nhờ vậy, trái cây sau thu hoạch cũng được bao tiêu với giá cao”, ông Hạnh cho hay.
Ông kể, nhờ canh tác theo hướng thân thiện môi trường, năm 2018, từ hơn 3ha cho thu hoạch hơn 22 tấn cam đường canh và 9 tấn cam Vinh. Trừ chi phí, lợi nhuận đạt 900 triệu đồng. Năm 2020, vườn của ông có 6ha trồng cam cho thu hoạch, bán được 2,4 tỷ đồng, ông lãi 1,9 tỷ đồng. Cam được doanh nghiệp, hệ thống siêu thị bao tiêu hết.
Vụ cam vừa qua, bình quân mỗi hecta cam của ông Hạnh đạt doanh thu 650 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 150 triệu, ông đút túi 500 triệu đồng. Với 8ha cam đã cho thu hoạch, ông thu về 4 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn 2 ha nhãn chín muộn, thời điểm thu hoạch bán được giá 70.000-80.000 đồng/kg, lãi thêm 1 tỷ đồng nữa.
Kết thúc vụ thu hoạch cam và nhãn, ông Hạnh dùng số tiền lãi hơn 5 tỷ đồng mua thêm gần 10 ha đất canh tác nữa. Khu đất này ở thung lũng Nà Ka (Mộc Châu) ông dự tính sẽ đầu tư mở rộng diện tích trồng mận và cam.
Tiết lộ bí quyết để năm nào cũng thắng đậm
Để có được thành quả như ngày hôm nay, lão nông tỷ phú Đỗ Quý Hạnh cho rằng đó là nhờ vào nhiều bí quyết chăm cây độc lạ. Ông chia sẻ, muốn cây phát triển khỏe mạnh và cho nhiều quả, chất lượng quả tốt thì đất phải tơi xốp. Thế nhưng nhiều năm trước, do lạm dụng phân bón hóa học, cây cam thường bị mắc bệnh thối rễ, vàng lá.
"Tôi đến vùng cam Cao Phong học cách xử lý các bệnh này. Nhưng về xử lý không tốt, cây bị đứt rễ, ảnh hưởng đến đến sinh trưởng vài năm sau mới cho quả trở lại”, ông nói.
Mãi đến năm 2020, ông Hạnh được người khác lý giải nguyên do vì sao cây bị thối rễ, vàng lá, đồng thời hướng dẫn cách “thải độc cho đất” là tưới men nấm vi sinh vào đất xung quanh gốc cây cam. Các lợi khuẩn này sẽ giúp giải phóng lượng phân đạm bị tích lũy lâu ngày ở trong đất.
Tiếp đó, ông mua hạt đậu tương về rắc xung quanh gốc cây cam. Các hạt đậu tương nảy mầm sẽ đội đất lên làm cho đất tơi xốp, tạo hệ thống thông khí cung cấp oxy cho đất. Lượng đạm tồn dư trong đất sau khi các men nấm vi sinh giải phóng sẽ được các cây đậu tương hút để chuyển thành đạm hữu cơ trong thân cây đậu.
Ông áp dụng và đã thành công. Cây sống khỏe, cho nhiều trái, đạt chất lượng thơm ngon.
Ở Pa Cốp, nông dân làm nông nghiệp hữu cơ còn có nhiều cách để thải độc cho đất như dùng bèo tây hay dùng thân cây chuối để tăng độ phân giải đạm tích tụ trong đất. Thân cây chuối có nhiều khe rỗng, nên hấp thu đạm rất tốt. “Giờ tôi còn đến Cao Phong trình diễn kỹ thuật điều trị bệnh cho cam, được họ áp dụng rất hiệu quả”, ông Hạnh khoe.
Theo ông Hạnh, cây cam khá nhiều bệnh, nhưng thay vì dùng thuốc BVTV hóa học, giờ nông dân ở Pa Cốp chọn cách ngâm tỏi, ớt, riềng, xả cùng với nước khoảng một tuần, sau đó phun vào cây cam để chống sâu bệnh.
Vào mùa mưa, vườn cam xuất hiện nhiều sâu bệnh có thể dùng các bẫy, bả treo trên cành cây để bắt, đuổi sâu, bướm, ruồi vàng có hại... Ngoài ra, ông còn “đặt vòng" cho cây.
Ông Hạnh giải thích, các mạch gỗ ở trong thân cây làm nhiệm vụ đưa nước và muối khoáng từ dưới gốc lên các cành cây, lá cây. Còn phần vỏ cây làm nhiệm vụ dẫn các chất dinh dưỡng sau khi đã được quang hợp từ lá xuống nuôi cành, nuôi gốc. Do có cành to, cành nhỏ, cành nhiều quả, cành ít nên các chất dinh dưỡng trong cây được phân bổ thiếu công bằng.
Chính vì vậy, hàng năm khi cây bắt đầu phân hóa mầm nụ và nở hoa, trên mỗi cành ông sẽ cắt những vòng tròn ở vỏ cây. Mục đích để cắt đường dẫn dưỡng chất từ trên xuống, nhờ đó giảm lượng dưỡng chất đưa xuống nuôi gốc, tăng dưỡng chất nuôi quả, giúp quả nhiều và phát triển đều hơn.
Lão nông ở Pa Cốp còn tiết lộ bí quyết tưới nước cho cam sau khi trời mưa. Nhiều lần, ông làm vậy bị mọi người nói là “khùng” bởi trời vừa mua lại đi tươi nước cho cây. Song, tưới cây khi có mưa là có căn cứ khoa học.
Ông giải thích, những ngày nắng, khói thải từ các nhà máy bay lên trời, khiến trong không trung đầy khí độc hại. Khi mưa trút xuống sẽ đem theo những chất này xuống đất, gây hại cho cây ăn quả. Vì vậy, phải tưới nước để rửa trôi nước mưa thì cây mới sống khỏe. Để làm vậy, vườn cam phải được làm luống, đào rãnh chống úng, khoảng cách giữa các luống với cam Vinh là 5m.
Những bí quyết này giúp vườn cam của ông Hạnh luôn xanh tốt, quả đều đẹp, đạt chất lượng cao. Nhờ đó, ông luôn thắng đậm sau mỗi vụ thu hoạch.
Chu Khôi
Người dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) những ngày này đang đi hái quả quýt rừng, mang lại thu nhập cả chục triệu đồng.