Mảnh vỡ máy bay được phát hiện ở đảo Reunion xa xôi ngoài khơi Ấn Độ Dương có thể là manh mối ban đầu về số phận chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia.

Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn lời các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi mảnh vỡ này là của MH370, điều đó cũng không giúp ích gì nhiều cho việc tìm kiếm xem thực sự chiếc máy bay đang nằm lại nơi đâu.

{keywords}
Mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion bị nghi thuộc về MH370. (Ảnh: Nytimes)

Các chuyên gia nhận định rằng, thời gian kể từ khi máy bay rơi cho tới bối cảnh vận động phức tạp của các luồng nước ở đại dương, gió biển khiến cho việc xác định chính xác nơi mà MH370 đang yên nghỉ gần như là không thể.

Các quan chức cho biết phải mất vài ngày mới tìm hiểu được vật thể tìm thấy ở đảo Reunion có phải là một bộ phận của MH370 hay không.  

Và cho dù là mảnh vỡ của MH370 thật đi chăng nữa, theo các chuyên gia, nó cũng không giúp xác nhận hay phản bác lại niềm tin của các nhà điều tra trong quá trình tìm kiếm MH370 trên khu vực rộng lớn của Ấn Độ Dương.

Theo David G. Gallo, Giám đốc dự án đặc biệt tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, điều mà quá trình tìm kiếm có thể xác nhận đó là ‘họ đang thực sự tìm kiếm một chiếc máy bay rơi xuống biển’.

David L. Mearns, một nhà hải dương học cho biết, các nhà hải dương học có thể ‘chắc chắn rằng mảnh vỡ có thể trôi dạt tới tận đảo La Reunion” từ sự vận động của các dòng hải lưu trong khu vực tìm kiếm.

Tuy nhiên, ông nói thêm, các nhóm tìm kiếm ‘không thể nào lần ngược trở lại dấu tích của mảnh vỡ, hoặc tính toán ra vị trí máy bay rơi xuống nước một cách chính xác và hiệu quả’.

Barry A. Klinger – nhà hải dương học tại Đại học George Mason – tính toán rằng, mảnh vỡ có thể trôi với tốc độ 1.500-6.200 dặm/năm cho tới khi mắc lại tại đảo Reunion – cách khu vực tìm kiếm 2.300 dặm.

Tiến sĩ Gallo cũng nói, tính toán của ông cho thấy các dòng hải lưu lúc này có thể đã mang các mảnh vỡ của MH370 tới đảo Reunion.

Gió trên mặt biển và các dòng hải lưu trong khu vực thay đổi liên tục, nên mỗi ngày các vật thể trôi dạt có thể bị đưa đi khắp nơi và khó đoán được hướng. Vật thể trôi dạt trên biển càng lâu thì càng khó xác định chính xác vị trí ban đầu.

Từ thực tế không tìm thấy mảnh vỡ nào của MH370 khiến nhiều nhà điều tra tin rằng, máy bay đã rơi xuống biển mà không bị vỡ làm nhiều mảnh, sau đó máy bay nhanh chóng chìm xuống biển.

Trong trường hợp đó thì các bộ phận của máy bay như cánh hay đuôi có thể bị vỡ ra và trôi nổi trên mặt nước, còn các bộ phận nặng hơn như phần thân máy bay có thể nhanh chóng bị chìm.

Trong một vụ rơi máy bay trên biển, các điều tra viên có thể xác định rất nhiều mảnh vỡ khá nhanh, nên họ có thể ước tính được nơi máy bay rơi ở mức độ tương đối tin cậy. Tuy vậy, công việc sau đó không hề đơn giản.

Trong vụ rơi máy bay Air France năm 2009, nhóm cứu hộ tìm thấy khoảng 600 mảnh vỡ trôi dạt trong vòng vài tuần, và hàng chục thi thể nạn nhân trong vài ngày. Đội tìm kiếm bị phân tán bởi các manh mối không chính xác và mất gần hai năm, nhưng cuối cùng mảnh thân máy bay được tìm thấy không xa nơi mà ông Mearn tính toán.

Ông Mearns nói thêm, việc xác định mảnh vỡ duy nhất của máy bay MH370 dạt lên đảo Reunion không mang lại tính toán nào đáng tin cậy.

“Cũng giống như việc ai đó mất tích ở Bờ Đông, nhưng năm sau mới được phát hiện là đã chết ở California. Nếu không có thông tin thêm, bạn sẽ không thể nào xác định được làm thế nào mà vật thể có ở đó, và bằng đường nào”.

“Điều đó cũng tương tự như những gì chúng ta phải đối mặt ở đây, chỉ có điều là trên biển thì chẳng có đường xá gì. Bản thân mảnh vỡ có vô vàn cách để trôi đến tận đây” – ông Mearns nói.

Lê Thu