Hàng loạt hành vi ngổ ngáo, gây rối trật tự công cộng trên các tuyến đường phố đã bị lực lượng chức năng xử lý trong 3 tháng qua. Bộ Công an xác định tiếp tục xử lý nghiêm.
Hành vi ngổ ngáo trên đường phố
Điển hình như vụ việc Nguyễn Thế Anh (SN 1988) và vợ Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1999), cùng trú tại Thừa Thiên - Huế, điều khiển xe máy biển số 75K1-510.16 trên Quốc lộ 1A từ Huế vào Đà Nẵng ngày 19/3. Khi đến đoạn đường cua tại Km905+300 trên đèo Hải Vân, Thế Anh rủ Ngân “biểu diễn” đổi lái khi xe đang chạy.
Dù cả hai không đội mũ bảo hiểm, khi đi xuống vị trí phía Nam đèo Hải Vân, Ngân quay đầu xe, điều khiển đi ngược lên dốc đèo. Quá trình chạy xe, Thế Anh nói Ngân lùi người về sau để đổi lái.
Đáng nói, cặp vợ chồng này không đội mũ bảo hiểm, đổi lái trên cung đường đèo có nhiều phương tiện đang qua lại và người đứng ở ven đường rất đông.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành động "ngông dại" như trên tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thậm chí là tai nạn thảm khốc cho các phương tiện và người di chuyển qua đèo Hải Vân.
Trước hành động gây bức xúc nêu trên, sau điều tra, Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng”, khởi tố bị can với hai vợ chồng này.
Một hiện tượng khác cũng khiến người đi đường khiếp đảm, đó là những nhóm thanh, thiếu niên chạy xe trên đường ở Hà Nội với dao, kiếm kèm theo. Nhóm này còn mang theo những loại hung khí có kích thước dài như "dao phóng lợn" lượn qua các tuyến phố.
Ngay đầu tháng 3/2023, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện một nhóm khoảng 20 người đi xe máy mang theo hung khí, liên tục lạng lách, đánh võng trên đường.
Đến ngày 7/3, cơ quan công an làm rõ 5 trong số các đối tượng đều trong độ tuổi 16-17 tuổi, trú tại Hà Nội, có hành vi gây rối trật tự công cộng, đồng thời, lập hồ sơ xử lý.
Huy động xe chở khách chèn nhau trên đường
Một hành vi gây bức xúc khác là câu chuyện những tài xế chở rất nhiều hành khách đã huy động xe để chặn, chèn nhau trên đường.
Cụ thể, sáng 1/3, khi Hoàng Văn Ba, tài xế của nhà xe Hoàng Phương, điều khiển ô tô khách đi trên quốc lộ 217B từ huyện Bá Thước đi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) thì bị một xe 16 chỗ vượt qua và tạt đầu.
Cú tạt đầu không xảy ra va chạm, nhưng do bực tức nên Ba gọi điện cho Lê Minh Hiếu (cũng là tài xế của nhà xe Hoàng Phương) chạy xe khách BKS 36B- 029.XX đang đi hướng Thanh Hóa - Hà Nội, nhờ Hiếu quan sát thấy xe 16 chỗ màu trắng, hiệu Mercesdes chạy qua thì chặn lại để giải quyết.
Nhận được điện thoại của Ba, Hiếu gọi điện cho Dũng đang điều khiển xe khách 16 chỗ BKS 36B-031.XX chạy phía sau. Đến Km510+80 trên đường Hồ Chí Minh, Hiếu và Dũng phát hiện phía sau có xe khách 16 chỗ nhãn hiệu Ford Transit BKS 29B-602.XX, do anh P.Q.T. điều khiển đang lưu thông cùng chiều, nên đã cho xe khách đi chậm lại.
Những tài xế này cho xe khách dàn hàng ngang chiếm hết lòng đường để chèn không cho xe khách do anh T. điều khiển vượt lên, sau đó ép buộc dừng xe.
Công an huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) xác định mức độ hành vi phạm tội của Hiếu và Dũng là coi thường an toàn tính mạng, tài sản của hành khách, người tham gia giao thông nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 tài xế này để tiếp tục điều tra.
Xử lý nghiêm vi phạm trên các tuyến giao thông
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), nếu như trước đây vi phạm về gây rối trật tự chủ yếu là lái xe gắn máy, mô tô thì vừa qua có cả những trường hợp là tài xế ô tô, thậm chí lái xe sang.
Cụ thể, vào ngày 24/2, trên tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Cục CSGT, Bộ Công an) đã kịp thời ngăn chặn 20 ô tô thể thao, xe sang có dấu hiệu gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn giao thông đường bộ.
Qua kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện, xử lý hàng loạt lỗi như vi phạm chạy quá tốc độ, hết hạn đăng kiểm, không gắn đủ biển số, đi vào đường cấm.
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại diện Cục CSGT cho biết, trong năm 2023, Bộ Công an xác định quan điểm thiết lập kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn trên các tuyến giao thông. Các hành vi như đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử lý nghiêm.
“Một số người điều khiển xe máy, ô tô có tâm lý chủ quan, cho rằng các hành vi như lạng lách, đánh võng, bốc đầu hay nẹt pô… chỉ để thỏa mãn thú vui của bản thân. Tuy nhiên, đây là hành động rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông với chính người điều khiển phương tiện hay người tham gia giao thông khác”, đại diện Cục CSGT cho biết.
Đại diện Cục CSGT cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tập trung vào công tác điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng thanh niên tụ tập, lạng lách, đánh võng… để có biện pháp ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm.
Gia tăng tình trạng tài xế chống đối khi bị kiểm tra nồng độ cồn
Thống kê của Cục CSGT, trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ, làm 10 chiến sĩ CSGT bị thương. Lực lượng CSGT trực tiếp, phối hợp bắt giữ 29 đối tượng để bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Trong đó, tại Hà Nội xảy ra 4 vụ, TP.HCM 3 vụ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Định, Tuyên Quang mỗi tỉnh xảy ra 2 vụ.
Đáng nói, số người sử dụng rượu bia chống đối CSGT lên đến 17 vụ (chiếm hơn 50%), làm 5 chiến sĩ CSGT bị thương và 17 đối tượng bị bắt giữ.
Ngoài ra, cũng trong 3 tháng đầu năm, CSGT toàn quốc đã phát hiện 25 vụ, bắt giữ 657 đối tượng và 610 phương tiện có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, đã xử lý hình sự 6 vụ với 29 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ. Đáng nói, có hơn 50% số vụ xảy ra khi tài xế bị kiểm tra nồng độ cồn.