Tháng 2/2020, 4 lò mổ tại thôn Thanh Trì (Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) có hành vi mổ lợn chết bị cơ quan chức năng phanh phui. Cả 4 lò mồ đều không được cơ quan thú y cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động suốt nhiều năm.

Bà Lưu Thị Anh - Đội trưởng đội QLTT huyện Chương Mỹ thông tin, hoạt động giết mổ lợn trên địa bàn huyện Chương Mỹ chủ yếu là nhỏ lẻ, thủ công (chỉ giết mổ 1 - 2 con/ngày).

{keywords}
 Do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng chức năng như: Thú y, quản lý thị trường mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát hoạt động này.

Các điểm giết mổ không cố định mà nằm rải rác trong các khu dân cư nên khó nắm bắt, kiểm tra.

Do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng chức năng như: Thú y, quản lý thị trường mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát hoạt động này.

Lực lượng QLTT huyện Chương Mỹ nói riêng và TP Hà Nội nói chung còn phải đối mặt với khó khăn trong kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm.

Bởi theo quy định, chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, TP. Vì thế, khi phát hiện người bán không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh, TP, lực lượng chức năng không có cơ sở kiểm tra, xử lý.

Hiện trên địa bàn Hà Nội hiện có 738 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 58 cơ sở bán công nghiệp, 673 cơ sở giết mổ thủ công. Theo quy định, sản phẩm gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn phải được cơ quan Thú y kiểm tra trước, trong và sau quá trình giết mổ. Sau đó đóng dấu xác nhận mới được đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, hiện số lượng gia súc, gia cầm giết mổ hàng ngày được cán bộ thú y kiểm soát còn rất ít, trong đó khoảng 300 con trâu bò, 6.000 - 7.000 con lợn 50.000 - 80.000 con gia cầm (tương đương 60%). Phần còn lại là từ các cơ sở giết mổ không phép và nhập từ các tỉnh thành khác.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, trách nhiệm quản lý, phát hiện các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này thuộc về chính quyền địa phương.

Tuy nhiên trên thực tế các địa phương còn chưa sát sao trong việc dẹp bỏ và xử lý các cơ sở giết mổ chui. Nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Ông Sơn cũng bày tỏ, hiện nay tình trạng giết mổ chui lợn chết rồi phù phép thành lợn sạch để mang ra thị trường bán không chỉ riêng ở Chương Mỹ, mà ở các địa phương khác cũng tồn tại tình trạng này.

Để chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, trong thời gian tới, TP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi.

Đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định “về việc phê duyệt mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm”, theo Quyết định gồm 8 cơ sở giết mổ công nghiệp, 8 cơ sở giết mổ tập trung, 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ.

Trước tình trạng này, ngày 8/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn nghi mắc bệnh, lợn bệnh, lợn chết.

Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt theo đúng quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5, điểm a khoản 12, điểm b và điểm c khoản 13 điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, hành vi giết mổ lợn mắc bệnh, lợn chết bán ra ngoài thị trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể: Phạt tiền từ 25.000.000 - 30.000.000 đồng đối với hành vi giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh theo quy định.

Tùy từng tính chất mức độ thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây ngộ độc cho nhiều người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Hồng Nhì