LỜI TÒA SOẠN:

Tuần đầu tháng 4/2024, thông tin về việc lần đầu tiên Đồng Nai lập đội thí điểm bắt chó thả rông và TP Thủ Đức, TP.HCM triển khai trở lại hoạt động này nhận được sự chú ý của nhiều độc giả. Ngay sau lần đầu tiên "ra quân", TP Biên Hoà lên kế hoạch lập thêm 30 đội bắt chó thả rông. Điều này cho thấy, việc để chó mèo chạy ngoài đường thiếu sự giám sát của chủ nuôi, không có xích hay rọ mõm tại các khu dân cư, chung cư đang gây ra sự bức xúc, vì tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thậm chí an toàn tính mạng người dân. 

Thực tế, đây là vấn đề tồn tại từ lâu, song chưa được xử lý triệt để vì nhiều lý do như ý thức chủ nuôi, chế tài xử lý chưa đủ mạnh...

VietNamNet mở diễn đàn “Làm thế nào để dẹp dứt điểm nạn chó thả rông?”. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.

Xin chân thành cảm ơn!

VietNamNet mở diễn đàn “Làm thế nào để dẹp dứt điểm nạn chó thả rông?”, nhiều độc giả gửi ý kiến góp ý về vấn đề này.

Vào khuôn phép khi mạnh tay xử phạt

Bạn Huyhuy nêu phương án: “Đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, lái xe không có rượu... tất cả đều vào khuôn phép khi mạnh tay xử phạt. Vấn đề này chắc cũng phải như thế".

Phản hồi lại, bạn Phúc Quang Đoàn đồng tình: “Cứ xử phạt nghiêm, công bằng minh bạch như đang làm với đội mũ bảo hiểm, xét nồng độ cồn… thì vấn nạn nuôi chó thả rông hết nhanh. Thêm nữa là bắt buộc các hộ nuôi chó phải đăng ký với phường, có sự đồng ý của hàng xóm, đủ điều kiện mới cho phép nuôi”.

Thậm chí, độc giả Minh T. còn hiến kế, để giải quyết "vấn nạn" chó thả rông, nên làm như sau: Mỗi phường lập một đội bắt chó thả rông gồm 3 người, chọn từ lực lượng dân phòng. Huấn luyện kỹ năng, trang bị dụng cụ, bảo hộ, trả lương thích hợp, dùng xe ô tô của phường. 

w cho tha rong nguyen hue 10 2 176.jpg
Anh Ninh Văn Hiếu (Đội phó đội tuần tra, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) vây bắt một chú chó hung dữ, có dấu hiệu của bệnh dại trong chiều 4/4. Ngay sau đó, cả đội phải sử dụng xịt khuẩn để vệ sinh. Ảnh: Nguyễn Huế

Ngoài các công việc thường nhật cùng cảnh sát, họ sẽ đi làm phận sự riêng. Chó bắt được đem về phường tạm nhốt, có người quản lý, chăm sóc. Trong vòng 3 ngày, chủ chó phải đến phường nộp phạt, trả tiền nuôi nhốt và đem chó về. 

“Mức phạt lần đầu 1 triệu đồng. Thông tin được cập nhật, lưu giữ vào hệ thống chung của thành phố. Nếu tái phạm, mức phạt là 2 triệu đồng và sẽ gấp đôi nếu tiếp diễn. Tiền phạt nộp công quỹ. Nếu chủ chó không đến nhận, chó bị tịch thu”, Minh T. nhấn mạnh. 

Theo bạn Minh T., những khoản thu này chắc đủ trang trải kinh phí cho việc xử lý chó thả rông. Kế hoạch trên được thông báo trước 1 tháng trên các phương tiện truyền thông. 

Sau ít tháng, chắc sẽ không còn chó thả rông. Nếu "yên bình", đội này được giải tán, quay về làm nhiệm vụ cũ.

Đồng quan điểm, bạn Tín phản hồi: “Khó khăn lớn nhất để lập đội bắt chó thả rông là vấn đề nhân sự và kinh phí. Nếu theo hướng đề xuất của bạn Minh.T., thì khó khăn đó có thể giải quyết được. Như vậy, chỉ còn chờ sự quyết tâm vào cuộc của các cấp lãnh đạo nữa thôi!”.

Bạn Mt thẳng thắn: “Hãy làm ngay việc quản lý chó mèo, thành lập các đội săn bắt chó, phạt thật nặng nuôi chó thả rông, nếu để cắn người phạt tội hình sự...”.

Bạn Văn Long ở Hà Nội cho rằng, vấn đề này rất đơn giản, chính quyền nên ban hành lệnh cấm thả rông chó nơi công cộng và có chế tài phạt thật nặng những hành vi trên của chủ nuôi chó. Sự cần thiết này để đảm bảo vệ sinh và sự trong lành nơi công cộng, an toàn cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ em. Cần thiết lập đội bắt chó rông, không rọ mõm đang hoành hành rất nhiều tại những công viên và những nơi dân cư đông đúc tại Hà Nội.

Theo bạn Văn Minh, chỉ cần sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc, kiên quyết xử phạt thì sẽ giải quyết được mọi vấn nạn về trật tự đô thị, trật tự giao thông... Nếu ngại va chạm với các chủ chó, thành phố nên tư nhân hóa dịch vụ này: giao cho công ty tư nhân quản lý, bắt giam chó.

Quy định đăng ký nuôi chó, mèo

Mới đây, Sở NN&PTNT TP.HCM vừa đề xuất người nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã và khuyến khích gắn chip điện tử để quản lý thông tin ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...).

Theo đó, quy định này khi ban hành sẽ điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo làm cảnh, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, cứu hộ động vật và các mục đích khác trên địa bàn.

W-cho-tha-rong-1-2.jpg
Chó thả rông bên trong công viên ở phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Ảnh: Tuấn Kiệt

Người nuôi chó, mèo phải kê khai định kỳ 2 lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới, hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Chủ vật nuôi phải theo dõi sức khỏe vật nuôi thường xuyên; phải thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dại của chó, mèo theo quy định. Đặc biệt, khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi bảo đảm an toàn cho người xung quanh. Chó phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt.

Ngoài ra, chủ vật nuôi phải cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành…

Chia sẻ đến báo, độc giả Chính Tạ Quang bày tỏ: “Một quốc gia văn minh thì xã hội càng phải trật tự, các quy định về quản lý xã hội rất chuẩn mực. Hệ thống quản lý hành chính các cấp của nước ta là đầy đủ, người đứng đầu các cấp đều biết vấn nạn chó thả rông nơi công cộng nhưng họ chưa thực sự vì dân, hoặc họ không dám vì ngại động chạm đến người thân quen hoặc nhà họ cũng có.

Những thảm cỏ xanh mướt ở công viên để mọi người có thể ngả lưng, những đoạn đường đẹp ở tổ dân phố tự quản để người dân và các cháu nhỏ đi hàng ngày bao giờ mới được cấp chính quyền vì nhân dân ra tay?”.

Những câu chuyện thực tế, ý kiến góp ý để dẹp nạn chó thả rông, phóng uế, cắn người bừa bãi xin gửi về địa chỉ: [email protected]
Tông phải chó ngã gãy tay, bắt đền ai đây?

Tông phải chó ngã gãy tay, bắt đền ai đây?

Chó thả rông phóng uế bừa bãi, có thể cắn bất cứ ai, đặc biệt chạy qua đường gây tai nạn giao thông. Một người đi đường tông phải chó ngã gãy tay thắc mắc “ai là người chịu trách nhiệm?”.