Không bờ tường, không cổng sắt, không có khán đài A, B. Đơn giản, đó chỉ là bãi đất trống vuông vức ở làng tôi, phía nam sát cận quốc lộ , phía bắc liền với trường tiểu học, phía đông giáp bờ rào nhà Hùng (Trần) và phía tây là đường vào cổng làng Trung Thịnh. Khi được hỏi quê, hỏi quán, người làng tôi thường chọn cách trả lời nhanh gọn, dễ nhớ là "Nhà ở gần sân làng ấy!".
>> Muối ơi còn mặn/ Hồn phố không còn như xưa/ Để mùa thi không còn nước mắt rơi/ Kì tích của nhạc trưởng Congo
Học cấp 1 ở trường làng, có lần buổi chiều ngồi học giờ cuối cứ nghe dội vào tiếng bình bịch ngoài sân, ấy là trận bóng đá giữa làng tôi và làng bên. Có lẽ đó là trận đấu bóng đá đầu tiên mà một kẻ sau này hâm mộ đến mức gàn dở như tôi được chứng kiến. Chỉ chờ nghe trống hết giờ gõ tiếng đầu vang lên là lũ chúng tôi chạy bổ ra khỏi lớp, dù chưa kịp nghe lời thầy giáo cho phép. Cũng lần đầu tôi thấy các cầu thủ mặc áo dán số, đi giày bata, phần nhiều đi chân đất và trọng tài mặc nguyên cả quần áo dài để phân biệt với 22 cầu thủ quần đùi.
Bấy giờ cầu môn chỉ là hai chiếc cọc gỗ, buộc cây tre làm xà ngang, chưa có lưới giăng. Thủ môn oách vô cùng, áo thu đông dài tay Trung Quốc màu xanh đen, đeo số 1. Thủ môn đội làng lúc đó là chú Cấp, da đen, nhỏ và nhanh. Chú ấy làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, cày cấy tính toán công điểm giỏi mà bóng ban chạy nhảy đấm đá cũng khỏe re như trai làng.
Thuở ấy, lũ trẻ con chơi bóng bưởi trên mọi mặt ruộng như chúng tôi thường kháo nhau rằng, thủ môn phải mặc áo thật dày, phòng những cú sút trời giáng, nghe đâu ở bên Liên Xô, tiền đạo sút bóng vỡ ngực thủ môn, bóng đẩy người ngã ngửa sau gôn rồi rơi oạch trên sân cơ đấy!
Có sân chơi, chiều chiều trẻ con, người lớn trong làng thường quần nhau với trái bóng, nên phong trào bóng đá làng tôi thuộc loại tốt nhất vùng Nam - Bắc - Đặng và xung quanh từ ngày đó đến nay. Có lần tôi hỏi mẹ, sân bóng làng ta có từ khi nào? Mẹ không nhớ, hỏi cha tôi cũng chỉ nhớ láng máng, nhưng tóm lại là cái sân ấy có trước lúc bố mẹ lấy nhau và chắc chắn là nhiều "tuổi" hơn con! Lần mẹ đi tập dân quân qua đó, vội vàng vấp phải bố con nhà ấy đang đứng xem bóng, mà con nhà ấy sinh trước con 2 năm, nghĩa là sân đã có từ trước nữa. Giá như có thời gian mà tìm lại xem ai là người trong làng đã có ý tưởng biến mảnh ruộng mạ thành cái sân bóng, hẳn cũng là một việc nên làm, đã có lúc tôi thầm nghĩ.
Bởi vì với người dân làng tôi, sân bóng ấy là nơi mọi người gặp nhau, thăm hỏi nhau mỗi khi xuân về, tết đến, trở thành thông lệ và là một sinh hoạt không thể thiếu, ấy là trận giao hữu bóng đá của con em trong làng với làng bên. Ai đi đâu, làm đâu, về quê ăn tết bao giờ cũng nhớ mang theo đôi giày. Về chưa chạm cổng làng đã ríu rít "Mồng mấy ra sân? Đá với Lương Sơn hay Đặng Lâm rứa bay?".
Những cầu thủ chân đất năm nào, trưởng thành, ăn nên làm ra đến mấy về đây đều xin vào sân cho bằng được. Người làng tôi từ bấy đến nay có lẽ chơi bóng hay nhất là ông Hòe chữa xe đạp. Không thuộc loại dày cơm nhưng ông Hòe chơi bóng láu nhất làng. Trong một trận đấu khai xuân, ông trổ tài nhảy lên móc bóng trước mũi đối thủ, giờ gọi là xe đạp chổng ngược, không may bị gãy chân, từ đó chỉ làm khán giả cổ vũ. Đôi lúc hăng, ông còn vung chân đá tung vào không khí.
Những người nức tiếng học giỏi được cử đi Liên Xô như anh Quế, anh Tố năm nào về cũng "trình làng" nước da trắng như trứng gà bóc, vào sân là chạy hùng hục, người làng bảo nhau: "đường sữa bơ thịt cừu vào, có khác". Làng Khả Phong có anh Đôn, anh Diếu...đá vừa dẻo vừa hiệu quả. Lứa tôi, người chơi bóng lâu nhất là anh Tùng, lúc trẻ là tiền đạo có hạng, cả huyện biết tiếng, có tuổi rồi anh ấy lùi về đá hậu vệ, vẫn cứ cắt bóng gọn gàng đâu ra đấy, tiền đạo đội bạn muốn qua "hơi bị khó". Còn lứa sau, lớp sau, tôi xa làng nên không biết rõ nhưng nghe nói đi đấu toàn huyện vẫn nhất nhì, chỉ ngán đội thị trấn Đô Lương.
Trên sân ấy, là một quãng sôi nổi bập bùng nhiều ký ức của mọi lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng quê tôi. Kỳ hè là những đêm sinh hoạt đội, luyện tập đồng diễn bước đều, các bài thể dục, màn xếp chữ, múa vòng, múa gậy, cắm trại rộn ràng tiếng trống ếch mừng Trung thu, mừng Quốc khánh. Chi đội xóm Chọ Hao - Chọ Rò nơi tôi sinh hoạt hè từng được xếp một trong những giải Nhất kỳ thi năm ấy vì kết quả đồng diễn và màn xếp chữ "Độc Lập", "Quốc Khánh" và "2 - 9" đẹp và sáng tạo.
***
Những năm tháng ấy không chỉ là những năm tháng hòa bình, yên ả mà có cả những ngày ngắn, đêm dài không yên tĩnh do thiên tai, giặc giã.
Sân bóng những ngày chiến tranh phá hoại đầy cỏ hoang, rồi xen lẫn nhiều mảnh bom, mảnh đạn vô tình . Cách sân chừng một vài trăm mét đã có những quả bom cắm xuống , khi chém vào thân Quốc lộ 7, khi văng ra ruộng lúa, trong khi mục tiêu chính là nhắm vào Cầu Sắt bắc qua Sông Đào.
Những buổi chiếu phim lưu động của Đoàn 317 phải tránh vào phía trong làng, nơi bốn bề tre mít bưởi che khuất. Từ màn ảnh đến máy chiếu phải phủ một tấm vải xanh đen hòng che mắt giặc trời rình mò bất thần từ biển lao vào ăn cướp. Người thuyết minh luôn nói một câu mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ "Đồng bào chú ý! Chúng ta đang sinh hoạt văn hóa trong điều kiện cả nước có chiến tranh. Vì vậy, trong lúc xem phim tuyệt đối không được bật diêm, bật lửa. Nếu có báo động, bà con hãy bình tĩnh đi về các hầm trú ẩn đã được chuẩn bị...".
Nhưng tôi nhớ nhất, sân vận động làng tôi vào khoảng đầu năm 1970 diễn ra một sự kiện đặc biệt. Ấy là việc trình chiếu bộ phim tài liệu " Những giây phút cuối cùng của Hồ Chủ tịch". Phim chỉ chiếu một đêm vì còn phải đi lưu động đến làng khác. Người lớn, trẻ em lần đầu tiên đi xem phim xếp hàng, ngồi ngay ngắn từ đầu đến cuối. Tôi biết có rất nhiều tiếng nấc, tiếng nghẹn.
Người làng tôi theo cụ Phan Bội Châu đi Đông Du, rồi theo Bác Hồ đi hoạt động bên Tàu, bên Thái...sau đó trưởng thành và được ghi công không ít. Sử sách còn viết chuyện trên cây bàng làng Nhân Hậu năm 1930 mọc lên một lá cờ đỏ búa liềm tung bay phần phật. Ngày Ba Đình nước mắt tuôn mưa, ở làng tôi cũng tổ chức Lễ truy điệu Bác Hồ. Một người ở xóm Sau là cô Ất, đảng viên, chồng đi bộ đội, đã khóc ròng trong buổi lễ đặc biệt đó.
Trên mảnh sân mấp mô của làng ấy cũng từng diễn ra những đêm công diễn các vở tuồng, chèo, kịch nói, dân ca...thu hút người khắp vùng đổ về, để làng tôi rất tự hào với các vai chính của diễn viên Hương Sen (Đoàn Chèo Nghệ An) và các tác phẩm kịch của Nhà viết kịch Văn Du (Hội Văn nghệ Nghệ An) là những người con của quê nhà.
Nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn thích và chờ đợi những đêm diễn của đội tuồng cổ của làng. Đội tuồng ăn tập trong nhà dân, hưởng công điểm như mọi người khác, đứng đầu là ông Trần Huấn, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp(sau chú Cấp thủ môn). Gia đình có truyền thống văn nghệ ấy gồm có ba anh em ruột là Trần Huấn, ông Trần Vỹ, bà Trần Thị Gián và chồng là Nguyễn Lê Tùng, đảm nhiệm hầu hết các vai chính trong các vở diễn "Nguyễn Trãi", "Sơn Hậu", "Trưng Trắc, Trưng Nhị"...Vai nào các bác ấy diễn cũng có hồn có vía. Bác Trần Vỹ vô cùng ấn tượng với các vai hề. Dám chắc phần lớn bà con háo hức đi xem có nguyên nhân từ việc chờ đợi các trò, miếng đáo để, cái giọng nói đặc trưng của "Ông cu Vỹ" để mà cười bể bụng, cười đứt cúc áo chật, phơi bụng phơi dạ ra hết.
Tôi lúc đó trẻ con, không biết gì nhiều, chỉ biết làng tôi từ nhiều những hoạt động sôi nổi như thế mà được phong là Làng Văn hóa, ngay giữa bom đạn ác liệt được đón Nhà thơ Cù Huy Cận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa về thăm cho làm báo cáo điển hình. Sau này, nhiều lần được gặp, được nghe Nhà thơ đọc thơ, nói chuyện, khi ở Khoa Văn Tổng hợp, khi ở Đại hội Văn nghệ Nghệ An, khi ở Ngày thơ Việt Nam tại Đại học Vinh, cứ định bụng hỏi chuyện nhà thơ về lần thăm quê tôi trong chiến tranh, cuối cùng lại im. Cái dút dát nhà quê ấy hóa ra vẫn bám theo mình mà mình không hay biết.
Một năm sau ngày tôi ra Hà Nội học, tức năm 1978, ở quê gặp phải một trận lụt lịch sử, nước dâng ngập hầu hết xóm làng ở hầu hết vùng Nghệ - Tĩnh. Người làng phải gồng gánh kéo nhau lên Hòn Dài, Hòn Xã, mang theo cả trâu bò gà lợn y như hồi tản cư. Phải ba ngày sau nước mới rút, sân bóng ngập đầy bùn nhão và nặc mùi giun chết. Năm đó mất mùa nặng, đói kém khắp nơi. Nhưng không vì thế mà ngày lễ, ngày tết tại sân vận động làng kém đi phần đông vui, náo nhiệt. Thư nhà gửi ra, nét chữ phóng khoáng quen thuộc của bố " Cả nhà sẽ dành dụm cho con và các em con ăn học nên người, bằng người". Người làng tôi không ai bảo ai nhưng đều đã suy nghĩ và âm thầm hành động như thế, từ bao đời.
***
Có thể có người về quê bây giờ không thấy những cây phượng già được trồng từ lâu lắm để có địa danh Hàng Phượng, nghe nói hàng cây ấy phải chặt đi để giải tỏa hành lang mở rộng Quốc lộ ? Có thể có người ngạc nhiên khi thân núi Hòn Dài uy nghi bị vạc đi một phần vì xe máy ùn ùn lấy đất phục vụ thi công đường sá?
Thật mừng vui khi cây bàng 200 năm tuổi, cây bàng làng Nhân Hậu qua bao năm tháng buồn vui vẫn đứng đó. Nhiều người biết câu chuyện ông Thuấn, cán bộ về hưu mang cây kiếm ra ngồi dưới gốc bàng, kiên quyết đề nghị ban dự án nắn chỉnh mở đường hợp lý để giữ nguyên vị trí của một chứng tích văn hóa- lịch sử có giá trị không phải ai cũng có thể nhận biết.
Riêng sân vận động làng tôi, mảnh đất trống ấy, bây giờ vẫn còn đó, dù có thời khó khăn buộc phải cày lên để trồng mía, hay trở lại làm ruộng mạ. Vẫn chỉ là mảnh sân vuông vức, mấp mô, cỏ mọc nhưng luôn gióng lên từng nhịp trống tuổi thơ . Như bao người làng trưởng thành, đi từ sân làng để đến những quảng trường, những sân vận động nổi tiếng đó đây, chắc chắn ai ai cũng đều phải nhớ về cái mảnh sân bé nhỏ, quen thuộc, dù nơi ấy không có bờ rào, không cổng sắt ziczac, không thể chụp ảnh kỷ niệm đưa lên facebook hay làm bất cứ việc gì có ý nghĩa khác...
Ấy là mảnh sân làng lúc nào cũng gióng lên từng hồi ký ức.
Bùi Nam Sơn