Các con hà bám trên mảnh vỡ máy bay tìm thấy trên đảo Reunion có thể cung cấp manh mối về chiếc máy bay mất tích 16 tháng qua.

Theo hãng tin Reuters, hôm 2/8, Malaysia tuyên bố, mảnh vỡ trôi dạt vào đảo Reunion, lãnh thổ ngoài khơi của Pháp, được xác định là của máy bay Boeing 777, cùng loại với chiếc MH370 mất tích bí ẩn từ hôm 8/3/2014.

{keywords}

Các nhà điều tra tại Pháp sẽ cho ra kết quả xác nhận xem, liệu đây có đúng là mảnh vỡ của MH370 hay không, vào ngày mai. MH370 được cho là đã rơi xuống phía nam Ấn Độ Dương, cách đảo Reunion 2.300 dặm.

Dựa trên các bức ảnh chụp mảnh vỡ này, các nhà sinh thái học tại Australia tin rằng, loài giáp xác bám trên mảnh vỡ là hà ngỗng (Việt Nam gọi là đằng hồ).

“Các vỏ hà… có thể cung cấp cho chúng ta thông tin giá trị về điều kiện ở vùng biển mà chúng hình thành”, Reuters dẫn lời nghiên cứu sinh Ryan Pearson tại Đại học Griffith của Australia.

Ryan Pearson đang nghiên cứu về cấu tạo hóa học của con hà, để xác định các chiều hướng di cư của các loài rùa caretta. Kỹ thuật này còn được sử dụng để nghiên cứu sự di chuyển của cá voi.

Các chuyên gia phân tích các vỏ của con hà để xác định nhiệt độ và các thành phần hóa học trong nước, mà qua đó góp phần tiết lộ nguồn gốc của chúng.

Mặc dù kỹ thuật này có thể giúp thu hẹp vùng tìm kiếm máy bay MH370 trong vòng hàng chục, hoặc hàng trăm, hoặc hàng dặm, song Pearson nói rằng, hầu như không thể định vị chính xác vị trí máy bay rơi.

Giáo sư Melanie Bishop thuộc Khoa Sinh học, trường Đại học Macquarie, cho biết them, nếu như các con hà bám trên mảnh vỡ có tuổi lâu hơn ngày máy bay MH370 mất tích, thì nó sẽ bác bỏ khả năng đây là mảnh vỡ của máy bay MH370.

Các nhà sinh thái học sẽ xem xét liệu các con hà này bám trên bề mặt hay ở các rìa của cánh tà, để từ đó xác định mảnh vỡ này nổi lên mặt nước hay là bị chìm.

Ngoài ra, các điều tra viên ở Pháp cũng có thể tìm kiếm các loài khác như giun, các loại tảo san hô hoặc các loài sò, hến để biết thêm manh mối.

Lê Thu