Đang đi trên đường bỗng dưng xe chết máy, dừng đèn đỏ xe chết máy, về ga xe cũng chết máy,... trong khi chị em lại không hiểu biết về xe cộ nên thợ sửa xe tha hồ “bắt bệnh" để “vặt tiền”. Trên thực tế, xe ga chỉ bị chết máy do nhiều lỗi nhỏ mà sửa hết có 20.000 đồng.
Chị Trương Thị Cẩm Hương ở Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) than thở, chiếc xe tay ga của hãng Honda chị mới mua về được hơn 1 năm nay, máy móc chạy rất êm nhưng thỉnh thoảng dừng đèn đỏ, về ga, xe lại chết máy.
Dắt vào hàng sửa, thợ xem qua rồi tháo bung cả xe ra, bảo rằng bugi xe bị chết, dầu xe hết phải thay tất cả. Tổng cộng mỗi lần như vậy, tính cả công xá của thợ, chị mất toi 250.000 đồng.
"Nhưng lần này xe chết máy thì tôi hơi nghi ngờ, bởi cách đó chỉ 10 ngày, tôi vừa thay cả bugi lẫn dầu khi xe bị chết máy trên đường Giảng Võ", chị Hương thắc mắc.
Nhiều xe tay ga đang đi trên đường thường xuyên bị chết máy |
Cùng cảnh ngộ, chị Trần Thanh Hải cũng chia sẻ, chiếc xe tay ga của chị trung bình mỗi năm phải thay bugi đến 7-8 lần vì xe đang đi ngang đường tự nhiên chết máy.
"Tiền mất đã đành, nhưng mỗi lần như vậy cực kỳ vất vả vì phải đẩy xe hàng cây số tìm hàng sửa. Mà tôi cứ thấy mọi người bảo xe máy lội nước thì bugi mới hay chết (lúc trời mưa đường phố ngập sâu), chứ chẳng ai bảo xe chạy bình thường, đang yên đang lành mà bugi lại lăn đùng ra chết cả", chị nói.
Tư vấn về việc này, anh Nguyễn Văn Phượng, chủ một tiệm sửa xe có kinh nghiệm 15 năm làm nghề cho rằng, việc bảo chết bugi có thể chỉ là chiêu để thợ có thể thay đồ kiếm tiền, chứ thực ra, bugi đó không hề bị chết, vẫn hoạt động bình thường trong khi xe bị một lỗi rất nhỏ sửa hết vài chục ngàn.
Để phân biệt bugi của xe có bị chết hay không, tránh trường hợp bị thợ "móc túi", anh Phương khuyến cáo chị em để ý phần mấu của bugi. Nếu vẫn nhô cao thì bugi chưa chết, còn đầu mấu đó bị mòn hết thì mới đích xác là bugi chết.
Ngoài ra, khi thợ sửa xe đánh lửa để kiểm tra, chị em cũng có thể đến nhìn, nếu lửa đánh xuất hiện vòng quanh trục bugi thì bugi đó có khả năng bị chết, và ngược lại, lửa đánh xuất hiện thẳng trục thì bugi đó vẫn hoạt động bị thường.
Dầu nhớt cho xe ga bắt buộc phải có chữ "scooter" |
Tư vấn thêm về việc sử dụng và bảo dưỡng xe ga đúng cách với chị em, anh Phương lưu ý, người đi xe tay ga nên lưu ý đến việc thay dầu đúng chủng loại để xe chạy êm, bền và tiết kiệm
Anh cho biết, xe máy có dòng xe tay ga và dòng xe số. Mỗi dòng xe có một loại dầu máy khác nhau. Tuy nhiên, nếu thợ sửa xe đánh đồng chúng với nhau, thay dầu của xe số cho xe tay ga thì sẽ khiến cho xe tốn nhiêu liệu và có thể ảnh hưởng hiệu suất vận hành của máy.
Dầu dành cho xe tay ga thường có độ nhớt để bôi trơn động cơ máy bên trong tốt hơn dầu xe số. Thế nên, xe ga nếu mà bị thay cho dầu xe máy số thì khi xe chạy, loại dầu của xe số không đủ độ nhớt để bôi trơn động cơ, dẫn đến hoạt động của xe bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, việc thay lẫn lộn, không đúng loại dầu cho xe ga vẫn diễn ra và rất được ít người chú ý. Theo anh Phượng, đàn ông thường thường hiểu rõ máy móc động cơ xe hơn phụ nữ. Thế nên, khi mỗi khi đi thay dầu cho xe tay ga, cần yêu cầu thợ thay đúng cho loại dầu và hãy tự mình kiểm tra xem có đúng chủng loại không. Dầu nhớt cho xe tay ga bao giờ cũng có chữ "scooter".
Chị em cần chú ý, nếu trên nhãn của chai dầu không có chữ này trên nhãn thì loại dầu đó chỉ dùng cho xe số, anh chia sẻ.
Lưu Minh