Khi thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt là trong các vụ việc gian lận về tài liệu, giấy tờ thì yêu cầu đối với giám định viên ngày càng cao và khó hơn gấp nhiều lần. Có những vụ mà công nghệ và trình độ của giám định viên cách đây nhiều năm chưa làm được, nên đã dẫn đến oan sai. Nhiều năm sau khi vụ án đến tay Phòng Giám định tài liệu, nạn nhân mới được “giải oan”.
Thiếu tá Trang vẫn còn nhớ vụ việc vào thời điểm chị mới bước chân vào nghề, làm trợ lý giám định viên.
“Đối tượng làm việc cho một tổ chức từ thiện và bị kết án biển thủ công quỹ. Anh ta đang thụ án rồi và cũng sắp mãn hạn tù. Nhưng người mẹ ở bên ngoài vẫn mang đơn đi kiện suốt nhiều năm. Lúc này, cơ quan điều tra mới gửi trưng cầu tới Viện Khoa học hình sự mà trước đó đã được giám định ở một cơ quan khác”.
Khi nghiên cứu tài liệu, Thiếu tá Trang nhận thấy chữ viết tay của đối tượng trên mẫu cần giám định - những tờ biên lai nhận tiền - quá đẹp và đều chằn chặn. “Mẫu so sánh - mẫu chữ viết của đối tượng được lấy sau đó bởi cơ quan điều tra - cũng đẹp nhưng không đều tăm tắp như thế. Chúng tôi bắt đầu có những nghi ngờ…”.
Khi nghiên cứu gần 30 tờ biên lai nhận tiền viết tay trên các tờ giấy A4, nữ giám định viên nhận thấy các con chữ đều một cách bất thường. Vì thế, khi cô và các đồng nghiệp cho lồng các chữ giống nhau ở những văn bản khác nhau lên thì nhận được kết quả bất ngờ: Trùng khít hoàn toàn.
“Đã là con người thì không ai có thể viết tay được từng chữ cái trùng khít hoàn toàn trên các văn bản khác nhau như thế, 70 - 80% thì còn có thể nhưng 100% thì không. Từ đó, chúng tôi đưa ra kết luận: Không phải do cùng 1 người viết, mà do bị tô đồ.
Tô đồ tức là khi có một văn bản viết tay của một người, đối tượng sẽ sử dụng tất cả các chữ đó, sắp xếp thành một nội dung mới bằng cách tô lại từng chữ riêng biệt ở nội dung cũ. Đây là một thủ đoạn tinh vi thường được thực hiện bằng cách đặt chữ cần tô ở phía dưới, sau đó tô lại lên mặt giấy bên trên. Tức là những tờ biên lai nhận tiền đó đã bị một đối tượng khác làm giả, đổ oan cho người đang ngồi tù”.
Sau này, khi cơ quan điều tra bắt giữ được thủ phạm thật, qua khai thác mới biết đối tượng đã sử dụng một tờ giấy nhúng qua xăng để tờ giấy trở nên trong suốt, có thể dễ dàng nhìn thấy nét chữ của văn bản bị đè bên dưới.
Thiếu tá Trang chia sẻ, yếu tố mấu chốt để xác định được một văn bản là thật hay giả, có phải cùng một người viết ra hay không là phải có mẫu so sánh. Mẫu so sánh được cơ quan điều tra lấy từ đối tượng trong thời gian điều tra.
Dĩ nhiên, có những vụ án mà mẫu cần giám định đã được viết ra từ cách đó rất lâu - vài năm tới vài chục năm. Hơn nữa, chữ viết của con người có thể thay đổi theo thời gian, tình trạng tâm lý, sức khoẻ. Đặc biệt, với những người ít viết, mẫu so sánh và mẫu cần giám định có thể khác nhau rất nhiều.
Chính vì thế, cái khó của các giám định viên tài liệu so với các đơn vị khác, là sự hỗ trợ của máy móc chỉ đóng một phần vai trò. Cái quan trọng hơn, mang yếu tố quyết định hơn là kinh nghiệm và năng lực của giám định viên.