Ở bản Lọng Mén, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, ông Biển là một trong số các hộ dân nghèo của địa phương nhưng dám mạnh dạn đầu tư vốn, công sức để phát triển chăn nuôi lợn.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi lợn của gia đình, ông Biển vui vẻ cho biết, trước đây, gia đình ông thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào hơn 4.000 m² cà phê, nhưng do diện tích ít, giá cà phê lên xuống thất thường nên cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn.

Để kiếm kế sinh nhai, ông Biển phải đi phụ hồ, làm thuê, làm mướn khắp nơi, chắt bóp từng đồng một.

Năm 2010, bằng số vốn tiết kiệm khoảng 50 triệu, ông Biển quyết định bắt tay xây dựng chuồng trại và mua 4 con lợn nái về nuôi.

“Ngày đầu khởi nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, cái khó khăn lớn nhất với tôi là nguồn vốn eo hẹp”, ông kể.

Nhờ được chăm sóc tốt, 4 con lợn của ông hay ăn chóng lớn, chẳng mấy chốc đã sinh sản ra được 100 con lợn con. Sau khi lợn con cai sữa, ông Biển tiến hành tách ra nuôi xuất bán và thu được lời.

{keywords}
Trung bình mỗi năm gia đình ông Biển bán hơn 7 tấn thịt lợn hơi.

Sau vài năm năm gắn bó với nghề nuôi con “ăn cơm nằm”- ông không nhưng thu được ngồn vốn bỏ ra mà còn tiết kiệm được một khoản để tái đầu tư, phát triển chăn nuôi lợn  lấy thịt.

Để chăn nuôi hiệu quả, ông Biển kể, ông thường xuyên học tập kỹ thuật chăn nuôi trên sách, báo, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương khác.

Đồng thời ông cũng tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh để áp dụng vào thực tế.

Nhờ đó, đàn lợn của gia đình luôn phát triển tốt, duy trì ổn định, trung bình mỗi năm gia đình ông bán hơn 7 tấn thịt lợn hơi, thu về trên 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, ông Biển cho biết: Ngoài việc bảo đảm nguồn thức ăn, phải đặc biệt quan tâm phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng vắc xin theo định kỳ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

Ngoài việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn lợn theo hướng dẫn của cán bộ thú y, phải thường xuyên rắc vôi bột khu chuồng nuôi lợn; phun sát trùng ít nhất 1 lần/tuần; tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm cho lợn đầy đủ dinh dưỡng; thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của đàn lợn, kịp thời phát hiện biểu hiện của các bệnh lợn thường gặp để xử lý.

Ông Biển cho biết, hiện nay, ông đang đầu tư xây dựng thêm một khu chuồng trại nuôi lợn với diện tích 100 m², được chia thành từng ô để nuôi thêm hơn 20 con lợn nái,. Ông bảo, đây là sơ lợn  vừa để gia đình nuôi vừa cung cấp con giống cho bà con.

Nhờ phát triển nuôi lợn, từ hộ khó khăn, gia đình ông Cà Văn Biển đã vươn lên thành hộ khá của bản.  Hàng tháng, nông dân chăn nuôi lợn từ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận về tham khảo mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông. Ông Biển cho hay, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho họ để có thể cùng nhau phát triển ngành chăn nuôi lợn an toàn, bền vững.

Được biết, tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng phát huy lợi thế về khả năng sản xuất của từng đối tượng vật nuôi, phù hợp với các vùng kinh tế của tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô phù hợp với từng địa phương. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, xây dựng cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết. Từ đó góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Thu Hằng