Buôn đất nhảy dù tại Đồng Nai, không mua đất ở khu vực đã có quy hoạch rõ ràng, mua mảnh lớn rồi chia lô bán nền…, là những kinh nghiệm mà giới đầu tư đất nền vùng ven phía Nam thường áp dụng và khá thành công, nhưng rủi ro mất trắng cũng không nhỏ.
Dù không có con số thống kê vì chủ yếu giao dịch là sang tay, nhưng đất nền vùng ven vẫn âm thầm được chuyển nhượng, ngay cả khi thị trường bất động sản đóng băng.
Dân đầu tư đất nền vùng ven thường chọn các khu đất trong khu dân cư, bởi có tính thanh khoản cao |
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Có 2 dạng đầu tư tham gia thị trường đất vùng ven là những người có tiền mua hẳn một khu đất lớn đợi thời cơ chia lô bán lại và các nhà đầu tư thứ cấp mua từ một đến vài lô để kinh doanh. Thường thì người mua đất nền vùng ven chủ yếu từ tiền tự có, ít vay ngân hàng và mục đích chính lúc đầu là mua để ở, nhưng khi thấy giá tăng mạnh, họ trở thành nhà đầu tư lướt sóng”.
Nhận định của ông Nam phản ánh khá đầy đủ bức tranh thị trường đất vùng ven. Ngoài các nhà đầu tư có kinh nghiệm, đa số người buôn đất vùng ven không mấy biết về biến động của thị trường bất động sản, mà chủ yếu là mua theo phong trào.
Trong một lần đi xem đất nền do Công ty Địa ốc Kim Oanh mở bán tại Khu công nghiệp VSIP 2 (Bình Dương) cùng các khách hàng, người viết được biết đại đa họ là khách hàng đã mua đất ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 và Mỹ Phước 3 từ khoảng 3 - 5 năm trước.
Chị Hằng, một trong số nhà đầu tư cho biết: “Tôi bán trái cây trên Sài Gòn, thấy mấy người buôn bất động sản giàu nhanh, nên ham. Hồi đó thấy nhiều người mua ở Mỹ Phước 3, nên tôi cũng mua, để gần 4 năm rồi mà giá vẫn thế. Giờ nghe nói nhiều người mua ở VSIP 2 nên tôi định bán ở chỗ cũ đi mua chỗ mới này”.
Trong khi đó, anh Tuấn, chuyên buôn đất vùng ven chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi không bao giờ mua đất Bình Dương, bởi ở đó có quy hoạch rõ ràng, đất khu đô thị, khu dân cư quá nhiều, trong khi số người nhập cư không nhiều bằng Đồng Nai. Tại Đồng Nai, tôi buôn đất nhảy dù và chưa bao giờ lỗ. Đồng Nai công nhân nhiều, khu công nghiệp lại nằm trong TP. Biên Hoà, trong khi quỹ đất của thành phố này hạn hẹp, công nhân làm sao đủ tiền mua nhà, mua đất đúng quy hoạch, nên kiểu gì cũng phải mua đất nhảy dù. Đất nhảy dù thường là đất vườn của các hộ dân chia lô, nên vấn đề điện nước, giao thông cũng thuận tiện”.
Không riêng gì anh Tuấn, nhiều “dân chơi” đất vùng ven cũng cho biết, cứ chọn đất vườn trong dân, đất trong khu dân cư đang ở, không bao giờ lo ế. Còn đất khu đô thị thì phải xem xung quanh đó có cái gì. Càng khu hoành tráng, rộng lớn thì càng “chết”, bởi đa số các khu này đều quy hoạch rồi để đấy.
“Buôn đất vùng ven luôn phải khảo sát và tính đến nhu cầu của người cần mua để ở”, anh Hoàng, chuyên viên môi giới bất động sản chia sẻ và cho biết, không thể lấy kinh nghiệm buôn đất tại Đồng Nai hay Bình Dương áp dụng cho các vùng khác. Bên cạnh đó, cần phải tính đến các chính sách tác động lên thị trường. Chẳng hạn, khi TP. HCM cho phép cấp sổ đỏ ở các khu đất là đất vườn trong dân với điều kiện “đáp ứng được hạ tầng”, thì phải nhanh chóng nắm lấy thời cơ này. Ngay các khu dân cư được quy hoạch còn chưa đáp ứng được hạ tầng, nên cụm từ “đáp ứng được hạ tầng” là khe hở để có thể lách. Vì thế, khi có trong tay các khu đất không dại gì lập dự án cho tốn kém, mất thời gian và mất luôn cơ hội. Cứ chia lô, xẻ nhỏ, bán nền, nếu cơ quan quản lý có “bắt” được thì “ván đã đóng thuyền”, xin “phạt theo quy định!”.
Khi phản ánh với Hoàng, làm thế này chẳng khác gì cổ xuý cho việc băm nát đô thị, anh này cười: “Đơn giản là chia sẻ kinh nghiệm kiếm tiền, không nghĩ nhiều được đến thế”.
Đó có lẽ là lý do mà trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, tại TP. HCM đã có hàng ngàn ngôi nhà trái phép, không phép mọc lên tại các quận Thủ Đức, Bình Tân, quận 9… Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, với người dân thu nhập thấp, với khoản tiền 500 - 600 triệu đồng rất khó mua chung cư chứ đừng nói đến một căn nhà 2 tầng trên một miếng đất khoảng 40 - 50m2, nên với đất vườn chia lô tại vùng ven là khả dĩ nhất với họ.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản