NSND Lê Khanh và MC Quỳnh Giang đã chia sẻ về những cái Tết của một thời khó
khăn nhưng đầy ắp lãng mạn và yêu thương trong chương trình “Chung tay đón Tết,
trẻ làm nên Xuân”.
- Xin chào NSND Lê Khanh và MC Quỳnh Giang! Nhắc đến Tết xưa, hẳn hai chị
đang có một “kho” kỷ niệm muốn chia sẻ với bạn đọc?
NSND Lê Khanh: Vâng, đúng vậy! Tôi dường như là người sinh ra chỉ đợi đến
Tết, tình yêu với Tết của tôi, có thể nói vui là, hơi bất bình thường vì tôi đã
luôn có những cái Tết thật sự rất đẹp. Tình yêu Tết ấy là nhờ mẹ tôi, nghệ sĩ Lê
Mai. Cứ mỗi lần cái se lạnh giáp Tết ùa về, một kỉ niệm mà tôi biết là mình sẽ
không bao giờ quên cũng lại về với thật nhiều cảm xúc. Biết con cái mong có quần
áo mới để diện Tết, mẹ đêm hôm chong đèn, chữa lại những bộ quần áo của mình,
hay chế lại từ đồ cứu trợ của nước ngoài, từ cái khăn bà tháo ra đan lại thành
áo mới. Có khi dỡ ra thì chỉ đủ len để đan một ống quần, thế là Tết năm đấy, tôi
có một cái quần đặc biệt, bên ống xanh, bên ống đỏ, tay áo cũng vậy mỗi thứ một
màu. Có thể thời nay thì thành mốt nhưng ngày xưa là vì thiếu thốn, nhưng mà ấm
áp lắm.
NSND Lê Khanh
(trái) và MC Quỳnh Giang cùng con trai Billy (phải) trong buổi họp báo phát động
chương trình "Chung tay đón Tết, trẻ làm nên xuân" của nhãn hàng OMO phối hợp
với Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
- Thời nay, các con của chị còn yêu Tết như vậy không?
MC Quỳnh Giang: Con trẻ bây giờ có quần áo mới quanh năm, thích đồ ăn
nhanh hơn, chẳng còn háo hức bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, không cùng cha mẹ nấu
bánh tét hay trang hoàng nhà cửa ngày Tết… nên Giang nghĩ tình yêu Tết của trẻ
không còn nhiều, hoặc vô tình không còn sâu sắc như thế hệ của mình ngày xưa. Ý
thức điều đó nên với 4 bé nhà mình, Giang luôn hướng các bé về với truyền thống,
dù chỉ là những điều rất nhỏ thôi. Giang dạy các bé biết khoanh tay chúc Tết ông
bà, biết cảm ơn và chúc Tết lại khi nhận được lì xì, đưa các con đi chùa chiền,
tham gia vào các chương trình gói bánh chưng cho trẻ em nghèo tại Nhà Văn hóa
Thanh Niên, và đặc biệt Tết nào Giang cũng chuẩn bị áo dài, khăn đống cho con
mặc, đứa nào cũng thích hết.
NSND Lê Khanh: Từ câu chuyện của mẹ tôi, suy ra được rằng người giữ được
tình yêu Tết dài lâu, ấm cúng trong mỗi gia đình, không ai khác chính là người
mẹ. Bây giờ chỉ ba chục nghìn là có 1 cái bánh chưng mua sẵn rồi, mà không cứ
phải là Tết, quanh năm đều có bánh chưng, giò chả ê hề. Nhưng cái bánh tự tay
mình làm mới thực thiêng liêng, ấm cúng, nên việc ngồi bên nồi bánh chưng mỗi
dịp Tết đến đã trở thành truyền thống gia đình mà tôi vẫn gìn giữ đến ngày nay
để các con mình hiểu được giá trị và yêu những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Nồi bánh chưng nhà Lê Khanh rất nổi tiếng đấy nhé (cười).
- Chị muốn chia sẻ điều gì khi đồng hành cùng chương trình “Chung tay đón
Tết, trẻ làm nên Xuân”?
NSND Lê Khanh: Ngày xưa chúng ta thiếu cái ăn cái mặc, giờ chúng ta thiếu
thốn thời gian, tình cảm. Cái bận, cái tiện bây giờ có thể khiến chúng ta lo
xong một cái Tết “công nghiệp” chỉ trong vài tiếng. Cái niềm vui, cái háo hức
được chuẩn bị Tết bị mất dần đi và phai nhạt theo năm tháng. Những cái Tết nhanh
gọn ấy không có nhiều sự chia sẻ, chung tay của con cái với cha mẹ. Tôi yêu lắm
ý tưởng nhân văn trong chương trình “Chung tay đón Tết, trẻ làm nên xuân” của
nhãn hàng OMO. Khởi nguồn từ những việc cho trẻ con bắt tay vào làm những công
việc nhỏ thôi nhưng niềm vui sẽ rất lớn khi các con tự tạo nên Tết, thấy cái
không khí ngày Tết len lỏi thấm dần từng ngày từng giờ, chung tay vui Tết với mẹ
cha thì đấy mới là cái Tết của gia đình và dân tộc Việt.
MC Quỳnh Giang: Vâng, tiếp lời chị Lê Khanh. Giang thấy trẻ em bây giờ
không còn nôn nao đón Tết, không hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của thời khắc
chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, thật ra như vậy là trẻ cũng thiệt thòi
nhiều. Trong đời sống công nghiệp bận rộn, ít ai để ý đến điều này thì cũng tặc
lưỡi cho qua. Vì vậy, một chương trình giúp trẻ hiểu được ý nghĩa ngày Tết như
của OMO thật sự rất ý nghĩa, chúng ta nên tổ chức thường niên và nhân rộng, thậm
chí đưa vào các bài học trong trường. “Chung tay đón Tết”, chắc chắn tình yêu
Tết của trẻ không bị mai một mà sẽ lớn dần.
Xin cảm ơn hai chị!
Nguyễn Nhuận