- Tâm bình an tỷ lệ thuận với lòng tử tế, nhiều tâm bình an là xã hội bình an, không có thánh thần nào "bảo lãnh" bình an cho bạn được!
Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hoá từ ngàn xưa. Thời khắc thiên nhiên giao hòa cảnh vật khoe sắc trần gian hoan hỷ, người người đi lễ chùa, khấn nguyện một năm mới gia đạo bình yên, đất nước thái hoà...
Cùng với đà phát triển của đất nước, nhiều năm nay chùa chiền cũng được trùng tu và xây mới. Người đi chùa ngày càng đông, dịp lễ hội cả biển người đổ về chùa, lễ lược không giới hạn ngày tết mà kéo dài xuyên tuần suốt tháng: có lực lượng chặn đường, xe còi hụ làm tiền đạo đoàn dẫn lễ. Có lẽ trong lịch sử, chưa bao giờ nhà chùa được trọng vọng đến thế!
Nhưng chốn thâm u bị đánh động, không gian thanh tịnh dường như bị phá vỡ bởi sự huyên náo, tệ nạn xã hội len lén vào chốn trang nghiêm. Ngoài đời thì đạo đức xuống cấp, bạo lực, vô cảm... là những câu chuyện có thật, cho dù "nhạy cảm" nhưng cũng cần phải được nhìn nhận để chỉnh đốn trước khi quá muộn.
Ảnh phát lộc ở Chùa Hương Tết năm ngoái từng khiến nhiều người bất bình. Ảnh: Zing.vn |
Nhận diện chữ TÂM
Chữ "TÂM" là chữ quan trọng trong đạo Phật: "Tâm là khởi nguồn vạn vật" (tâm năng sanh nhất thiết pháp), chữ TÂM cũng có một "bề dày lịch sử" trong văn hóa nước nhà. Nguyễn Du đề cao chữ TÂM: Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Chữ TÂM (tấm lòng) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang đậm chất Thiền: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ để làm gì em biết không/ để gió cuốn đi.
Nhiều gia đình viết thư pháp chữ "Tâm" (心) to và đẹp treo ở phòng khách..., nhưng hiểu hết ý nghĩa chữ TÂM, ứng dụng thế nào cho hợp với Đạo để được an yên không phải ai cũng biết. Câu nói thường nghe: "thời nay gặp được người có tâm, khó lắm"...
Chỉ vào tim, nói: "TÂM" đây, như nhiều người vẫn nghĩ TÂM là quả tim, nhưng đó là TÂM vật lý. Đức Thích Ca dạy: "Tâm không phải ở trong, không phải ở ngoài không phải ở giữa" (bất tại nội bất tại ngoại bất tại trung gian) (1).
SGK Đạo đức dùng cho học sinh Nhật Bản có đoạn: Không ai có thể nhìn thấy hình thù của Tâm, tuy nhiên “biểu hiện của tâm” thì có thể nhìn thấy đó chính là sự tích cực trong hành vi ứng xử của bạn. Cũng vậy, dưới lồng ngực nhịp đập trái tim của bạn thì không ai biết được, nhưng “lòng trắc ẩn của bạn” thì ai cũng có thể nhìn thấy, đó chính là những lời nói hành vi lịch thiệp mà bạn tặng cho mọi người. Một trái tim nhiệt thành sẽ dẫn dắt một hành động nhiệt thành. Khi một ý nghĩ thiện lành trở thành nghĩa cử là bạn bắt đầu sống đẹp (2).
Theo nghĩa này chữ Tâm vừa mang tính đại chúng nhưng cũng không nằm ngoài nội dung chữ Tâm của đạo Phật: "Tâm" không phải là vật chất không phải lời nói suông mà Tâm là thái độ sống tích cực gắn với hành vi. Sống khiêm cung đạo đức là Tâm, ngược lại, ích kỷ vô liêm... thì dù nhà treo bao nhiêu thư pháp chữ TÂM, mỗi ngày đều đi chùa dâng lễ... cũng là Ma Tâm.
Khi người ta “núp bóng” chữ TÂM
Ý nghĩa chữ Tâm tinh khôi, động cơ đi lễ chùa văn minh nhưng ngày nay bị biến tướng. Bắt đầu một phi vụ làm ăn... đi chùa, một lần xuống tiền gặp thất bại cũng đi chùa, ma chay cưới tiệc cúng sao giải hạn hay tình duyên trắc ẩn đều đi chùa... là biểu hiện của sự lười nhác vô kỷ luật quen “hối lộ” thần thánh.
Mang thói quen này vào cuộc sống là tham nhũng bảo kê, gây bè kết phái... dẫn tới một cuộc chạy đua méo mó không thuận hợp với vận động của quy luật khách quan. Không thể phủ nhận hành động đẹp, tình người vẫn có mặt trong cuộc sống nhưng có nguy cơ lép vế. Gam màu chủ đạo xã hội vẫn còn nhiều tiêu cực, những thói đời kiêu ngạo, hợm hĩnh khoe sang giàu...
Đông Tây kim cổ, chưa có một sự liên hệ nào rằng đi chùa được địa vị giàu sang. Thậm chí lạm dụng chữ Tâm coi chừng bị phản tác dụng. Ai đổ tiền tấn xây chùa nhiều hơn đại gia Trầm Bê? Mặt khác, theo một nghiên cứu năm 2015 của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth, 56,2% triệu phú thế giới theo Kitô giáo, 6,5% thuộc Hồi giáo, 3,9% theo đạo Hindu, 1,7% đạo Do Thái. Còn lại 31,7 % được nói theo các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo... (Nguồn: CNBC). Không có nghĩa khuyên theo đạo nào thì mau giàu, nhưng rõ ràng đạo Phật không chen chân vào chuyện tiền tài vật chất, đi chùa để cầu “vinh thân phì gia” là một nhận thức hoàn toàn sai trái triết lý đạo Phật! Giàu sang quyền vị ái tình... không bao giờ là "sở trường" của Phật.
Mang TÂM gì đi lễ chùa đầu năm?
Tất Đạt Đa xưa sinh ra dưới gốc cây, tu hành dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, hành đạo dưới gốc cây, tịch diệt dưới gốc cây! Người buông bỏ ái dục vinh hoa quyền bính để sống đời giản dị "ba bộ đồ một bình bát" (tam y nhất bát), lấy lý tưởng vì an vui chúng sinh làm sự nghiệp.
Người phàm tục chúng ta chưa thể noi theo gương ngài làm bậc thánh nhưng có thể học ngài để làm người tử tế. Tâm khiêm cung giản dị, Tâm tinh tấn lao động và học tập, Tâm cẩn thận chu đáo với gia đình xã hội, Tâm biết tích lũy điều lành việc tốt, Tâm dũng khí bẻ gãy điều xu nịnh giả tạo, Tâm không chặt phá rừng tuồn gỗ lậu, mà trồng cây gây rừng sống gần gũi với thiên nhiên... là gần với Tâm Phật.
Dân gian có câu: "Phật tại tâm", tiếng Nhật có thuật ngữ: "gói ghém cái tâm" (kokoroo komeru)! Trong cuộc sống hàng ngày gói vào hành vi ứng xử một chút lòng trắc ẩn, lòng tử tế và liêm sỉ... Tâm bình an tỷ lệ thuận với lòng tử tế, nhiều tâm bình an là xã hội bình an, không có thánh thần nào "bảo lãnh" bình an cho bạn được!
Người Sài Gòn đi chùa lễ Vu lan, cầu bình an cho cha mẹ. Ảnh: Thanh niên |
Thay lời kết
Thời Lý-Trần đạo Phật thịnh hành cũng là thời kỳ xã hội Việt Nam đạo đức kỷ cương nhất lịch sử, cũng xuất hiện nhiều nhất các bậc chân tu: Vạn Hạnh thiền sư, Pháp Loa thiền sư, Huyền Quang pháp sư, Tuệ Trung thượng sĩ... Vua Trần Nhân Tông sau nhiều năm nắm giữ mệnh nước cũng từ bỏ ngai vàng xuất gia, được nhân gian tôn xưng Phật Hoàng. Minh triết về Đạo của thời Lý-Trần thâm sâu và chân chính không thời nào sánh kịp.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, chúng ta học thuộc bài học lịch sử thời Lý-Trần để giữ gìn bản sắc dân tộc, để đất nước "hòa nhập mà không hòa tan"... nhưng đã mắc lỗi áp đặt công thức. Cùng một cái khuôn không phải ai cũng làm ra được chiếc bánh ngon. Các yếu tố như nguyên liệu, công thức pha chế, nhiệt độ, kỹ năng của người làm bánh... đã không được tiên lượng chính xác.
Hàng trăm năm trước các bậc cao tăng đặt ra thanh quy "một ngày không làm một ngày không ăn" (nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực) khắc chế lạm dụng cửa Phật làm nơi hưởng thụ. Ngày nay đã có chùa không nhận tiền công đức, có sư tăng không sử dụng tiền của bá tánh vào nhu cầu cá nhân... nhưng đang trở nên hiếm dần.
Nên có một cơ chế kiểm toán minh bạch tiền công đức, định mức lương mua các loại bảo hiểm theo quy định nhà nước cho sư sãi... còn thặng dư thì sung công. Thời kỳ vàng dân số trẻ đang vào giai đoạn cuối, năng suất lao động Việt Nam thua kém nhiều nước trong khu vực... là lúc cần huy động nguồn lực lao động, kể cả những công dân sống cửa Phật mà lý tưởng tu hành thấp kém.
Chưa bao giờ xã hội mong hai chữ bình an như hiện nay! Là một nước đạo Phật, bình an hãy bắt đầu từ "chốn bình an"!
Trúc Nguyễn
-------
Chú thích
(1) Theo Kinh Kim Cang, NXB Tôn giáo, 2015.
(2) Theo SGK môn Đạo đức cấp tiểu học, Bộ Văn hoá khoa học Nhật Bản phát hành 2013.
Nghìn tỷ xây chùa liệu có mua được sự tử tế?
Đừng tưởng một người chăm chút một cây non trong một góc rừng xa xôi không quan trọng bằng một người làm sạch toàn bộ thành phố.
Nhìn người Nhật tổ chức lễ hội mà thèm
Mỗi khi nhìn thấy cảnh cướp lộc trong các lễ hội ở quê hương, lòng tôi lại buồn thương khó tả.
Vốn xã hội của chúng ta đang nghèo đi?
Nhìn vào những vụ việc bạo lực gần đây, không ít người băn khoăn hỏi, có phải do chúng ta đã coi nhẹ cái gốc là văn hoá nên con người mới trở nên cục cằn hung bạo như vậy chăng?
Không giữ thiện căn, sự tử tế sẽ thành xa xỉ
Trong cuộc sống, nếu không giữ thiện căn, giữ lòng nhịn nhường, điềm tĩnh, thì có những khi hai chữ “tử tế” sẽ trở thành điều xa xỉ.
Con người và sự tử tế
Tôi không tin trời có mắt, nhưng sự tử tế luôn có ánh nhìn theo ta suốt cuộc đời. Sự tử tế được lan tỏa và nhân lên sẽ có một xã hội tử tế. Từ quan đến dân đều tử tế thì sẽ có quốc gia tử tế.