Xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng là địa phương có trên 90% tỷ lệ bà con dân tộc Khmer sinh sống. Mặc dù đời sống và điều kiện phát triển kinh tế đã cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn 4 ấp tại xã Mỹ Tú gặp khó khăn về nhu cầu sử dụng nước sạch.

Đa số người dân ở 4 ấp trên phải tích trữ nước mưa hoặc lắng lọc từ nước sông. Do đó, chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Tháng 5 vừa qua, 30 hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo gặp khó khăn về nước sạch tại xã Mỹ Tú đã được tặng bồn chứa nước với thể tích mỗi bồn là 500 lít. 

Đây là tin vui khi nhu cầu nước sạch của bà con được đáp ứng, đồng thời cũng góp phần cho xã sớm hoàn thiện tiêu chí 17.1 về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới. 

Tính đến nay, địa bàn Sóc Trăng đã có 60,31% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung; 64/80 xã đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chí nông thôn mới (trong đó 16 xã đạt quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao).

Chỉ tiêu nước sạch là một trong những chỉ tiêu quan trọng của nông thôn mới, ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân nông thôn. Nhiều năm qua, Sóc Trăng  ưu tiên ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách về nước sạch nông thôn.

dan toc chut ha tinh 8.jpg
Ở nhiều địa phương, nguồn nước sạch cho sinh hoạt còn gặp khó khăn. 

Giai đoạn 2018 đến tháng 6/2023, tỉnh đã hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước và nước sinh hoạt cho 4.955 hộ nghèo. Thực hiện miễn thu tiền sử dụng nước cho 6.959 hộ nghèo, với tổng sản lượng nước đã miễn thu là 1.041.403 m3.

Gần đây nhất, Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 11/7/2023 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2124/QĐ-UBND ngày 24/8/2023.

Đề án đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 80% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung với số lượng tối thiểu 80 lít/người/ngày. Kinh dự kiến thực hiện Đề án trên là 593.423 triệu đồng, bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, huy động xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hồi tháng 5/2022, UBND tỉnh Sóc Trăng đã sớm ban hành quy định đối với chỉ tiêu “Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, với mức quy định thực hiện trên địa bàn tỉnh cao hơn so với yêu cầu của trung ương”. Cụ thể, xã nông thôn mới đạt từ 50% trong đó từ 30% sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, xã nông thôn mới nâng cao từ 55% hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Tháng 11/2023, đoàn kiểm tra tiêu chí nước sạch đã làm việc trực tiếp tại các xã Trường Khánh (huyện Long Phú), xã Viên Bình, xã Thạnh Thới Thuận và xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề). Bên cạnh kiểm tra nhanh chất lượng nước, Đoàn còn khảo sát trực tiếp một số hộ dân về nguồn nước.

Theo ông Tô Ngọc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có 116 trạm cấp nước tập trung, kết quả một quá trình nỗ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, ông đề nghị cần định kỳ kiểm tra chất lượng nước, nhất là một số trạm có công nghệ lạc hậu, nguồn cung cấp nước đầu vào khó khăn.

Đoàn kiểm tra nhận định, có lúc, có nơi, chất lượng nước chưa đạt yêu cầu, nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt những tháng cao điểm mùa khô vẫn còn là một bài toán khó. 

Trong giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện trên 30 công trình cấp nước thông qua công tác xã hội hóa. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống cấp nước tập trung nông thôn đã từng bước hoàn thiện. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân nông thôn, nhất là các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn.

Đây cũng là cơ sở để Sóc Trăng sớm hoàn thành mục tiêu nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, thực hiện tốt các tiêu chí về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới ở giai đoạn mới.

Thanh Bình và nhóm PV, BTV