Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Minh Hoá đã đầu tư xây dựng 17 công trình nước tự chảy. Đến nay, đã có 90% bà con tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, những năm qua, huyện Minh Hoá, Quảng Bình đã tập trung nguồn lực, triển khai nhiều dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khu vực nông thôn, nhất là tại các xã vùng biên giới, đáp ứng nhu cầu của đồng bào dân tộc.
Minh Hóa là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình với 89km đường biên giới, 4 xã biên giới là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa giáp với nước CHDCND Lào.
Dân Hoá là 1 trong 4 xã biên giới của huyện, toàn xã có hơn 1.000 hộ với gần 4.600 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%.
Trước đây, để có nước phục vụ sinh hoạt, bà con phải đi xa từ 5-7km qua các đồi núi để gùi nước ở các sông, suối về sử dụng. Những năm khô hạn, nhu cầu về nước sinh hoạt càng trở nên bức thiết với người dân.
Việc thiếu nước sinh hoạt đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con, ngoài Dân Hoá, các xã biên giới như Trọng Hoá, Hoá Sơn, Thượng Hoá đều trong tình trạng tương tự.
Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân và cũng là điều kiện cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế, là mục tiêu quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Minh Hóa đã tập trung ưu tiên nhiều nguồn lực tiến hành khảo sát, kiểm tra và đưa ra các phương án bảo đảm nước sinh hoạt cho đồng bào.
Từ năm 2018 đến nay, trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, huyện đã đầu tư xây dựng 17 công trình nước tự chảy tại các thôn, bản, cụm bản trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện dành hàng chục tỷ đồng nguồn vốn chương trình để hỗ trợ.
Để hưởng ứng chương trình, đồng bào đóng góp 9.300 ngày công cùng xây dựng các công trình nước sinh hoạt. Các tổ chức, cá nhân cũng đứng ra vận động thêm nguồn xã hội hóa với kinh phí gần 150 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 8 công trình giếng khoan cho bà con. Đến nay, tỷ lệ tiếp cận nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số hợp vệ sinh đạt trên 90%.
Còn tại xã Dân Hóa, từ 2021 đến nay, địa phương đã nhận được gần 4 tỷ đồng các nguồn kinh phí để đầu tư các công trình nước sinh hoạt tự chảy, cung cấp nước cho gần 750 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
“Từ khi có ống nước chảy về tận bản, nhiều bà con tự mua ống để bắt về tận nhà. Nhiều hộ trong bản cũng xây bể lắng để được sử dụng nguồn nước sạch hơn. Bà con ai cũng mừng, không mất công đi xa gùi nước như trước nữa, nhất là những ngày nắng nóng như vừa qua”, Hồ Bông, ở bản Ka-Định nói.
Vì các thôn, bản ở cách xa nhau, địa hình đồi núi nên để đưa ống nước sinh hoạt về tới các thôn, bản, các cấp các ngành cùng bà con đã có sự nỗ lực rất lớn.
Bà Hồ Thị Thoi Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa thông tin: “Thời gian qua, 17 bản của xã cơ bản được đầu tư công trình nước và một số bản được hỗ trợ ống nước để cho bà con có nước dùng. Không còn lo vấn đề nước sinh hoạt, bà con có điều kiện để lao động, phát triển sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm, lồng ghép nguồn kinh phí để tu sửa lại các công trình đã xuống cấp, làm sao đó để mỗi hộ gia đình có 1 vòi nước để gia đình có trách nhiệm quản lý hơn”.
Được biết, mang nước sạch đến với đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách hết sức cần thiết. Nhờ triển khai kịp thời, nhiều người dân vùng dân tộc thiểu số đã được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để người dân yên tâm lao động sản xuất, phấn đấu giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Hiện nay, huyện Minh Hóa tập trung các nguồn lực để xây dựng mới, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến hết năm 2025, có trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.