Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được duy trì tại 69 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm 94 cơ quan đại diện, trong đó có 67 Đại sứ quán, 22 Tổng Lãnh sự quán, 04 Phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế và 01 Văn phòng.

Đội ngũ cán bộ bao gồm 1200 biên chế cán bộ, nhân viên ngoại giao từ 16 bộ, ngành, cơ quan liên quan. Độ tuổi bình quân của cán bộ hiện tại là 43 tuổi, trong đó tỉ lệ nam chiếm 55%, tỉ lệ nữ chiếm 45%.

gapgocqd.png

Hoạt động của mạng lưới 94 cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước, các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các đối tượng quan trọng khác.

Với phương châm: Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước, trong đó, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện có nhiệm vụ làm sâu sắc hơn nữa, nâng tầm quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới; thực hiện tốt phương châm ngoại giao phục vụ phát triển; triển khai đồng bộ các lĩnh vực ngoại giao; đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu, phối hợp, công tác xây dựng Đảng tại sở tại.

Đối với lĩnh vực đối ngoại nhân dân, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của trụ cột này và đề nghị tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Liên hiệp và các cơ quan đại diện, từ đó tổ chức các hoạt động giao lưu, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước; góp phần quan trọng vào thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV