Là loại quả đặc sản miền Nam, ruột măng cụt xanh có giá vô cùng đắt đỏ, lên tới hơn nửa triệu đồng 1kg vẫn được người dân tranh nhau mua.
Măng cụt – loại quả vô cùng quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Song, mọi người thường chỉ thấy trái chín bán ở các siêu thị, cửa hàng hay tại chợ. Loại quả này có giá dao động từ 20.000-100.000 đồng/kg tuỳ thời điểm.
Thế nhưng, mấy ngày trở lại đây, “măng cụt xanh” hay “ruột măng cụt” bỗng trở thành từ khoá hot. Nguyên nhân, ruột măng cụt xanh là nguyên liệu không thể thiếu cho món gỏi gà măng cụt đang gây sốt rần rần khắp mạng xã hội.
Với hương vị chua ngọt của trái măng cụt xanh kết hợp cùng thịt gà, rau thơm và nước mắm… gỏi gà măng cụt được ví như "nữ hoàng của các loại gỏi" nơi miệt vườn Nam Bộ. Các chị em nội trợ đua nhau lùng mua măng cụt xanh về làm món gỏi gà măng cụt để trải nghiệm món ăn đầy mới mẻ này.
Cũng bởi vậy, măng cụt xanh bỗng trở thành mặt hàng “đắt như tôm tươi”.
Trên “chợ mạng”, măng cụt xanh được bán với giá dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. Riêng ruột măng cụt (loại đã gọt vỏ) giá siêu đắt đỏ, lên tới 500.000-650.000 đồng/kg. Dù vậy, cả măng cụt xanh và ruột măng cụt đều liên tục “cháy hàng”.
Chị Trịnh Thị Kiều – chủ cửa hàng trái cây ở Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận, 3 ngày trở lại đây măng cụt xanh về không đủ trả hàng cho khách đã đặt trước đó.
Trước kia chị Kiều chỉ bán măng cụt chín là hàng Thái Lan nhập khẩu và hàng từ nhà vườn ở miền Đông Nam Bộ hay ĐBSCL. Còn măng cụt xanh thì đây là lần đầu tiên chị nhập về bán.
“Món gỏi gà măng cụt đang sốt rần rần khắp mạng xã hội. Tôi tìm được mối nhập từ nhà vườn ở Bình Dương nên đăng bán. Ai ngờ, khách ồ ạt đặt mua”. Chị nói và cho biết, đơn khách đặt ít thì 3kg, nhiều lên tới 5-6kg. Họ không chỉ mua về gọt lấy ruột măng cụt làm gỏi gà mà còn chấm muối ăn trực tiếp. Bởi, ruột măng cụt xanh ăn giòn, vị chua chua ngọt ngọt rất ngon miệng.
Song, hàng nhập về không có nhiều. Có chuyến chị Kiều chỉ gom được 50-60kg, chia ra không đủ trả đơn cho khách. Hôm nay, măng cụt xanh về được hơn 1 tạ cũng bán hết ngay trong buổi sáng, chiều khách hỏi chị đành phải hẹn chuyến hàng ngày hôm sau.
Chị Đoàn Thị Phượng ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, chị bán ruột măng cụt đã vài năm nay. Tuy nhiên, số lượng mỗi lần nhập về không nhiều vì loại quả này rất ít người biết ăn. Khi vào mùa măng cụt (tháng 4 đến tháng 6 hàng năm), mỗi tuần chị chỉ gom đơn nhập được một chuyến khoảng 20-30kg với giá từ 450.000-500.000 đồng/kg.
Năm nay, măng cụt xanh bỗng nhiên thành hàng hot, giá cũng đắt đỏ hơn. Hiện, chị đang bán ruột măng cụt với giá 600.000 đồng/kg, hàng được chia theo túi trọng lượng 0,5kg/túi.
Dịp này, mỗi ngày chị nhập về một chuyến với lượng hàng lên tới 40-50kg. Song, ruột măng cụt ngày nào cũng “cháy hàng”.
Theo chị Phượng, không phải cứ măng cụt xanh trộn gỏi hay ăn sống đều ngon. Ruột măng cụt ngon nhất là quả còn xanh nhưng phải già. Có như vậy, khi gọt bỏ vỏ phần ruột bên trong mới trắng giòn, vị chua dịu xen lẫn chút ngọt.
Song, gọt vỏ măng cụt tốn khá nhiều thời gian. Trong quá trình gọt phải ngâm trong nước liên tục để ruột măng cụt không bị thâm. Chưa kể, phải gọt khoảng 10kg măng cụt mới được 1kg ruột. Thế nên, ruột măng cụt giá vô cùng đắt đỏ, hàng cũng không có nhiều để nhập về mỗi ngày.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho hay, măng cụt được trồng ở các tỉnh phía Nam nước ta với diện tích khoảng 7.500 ha. Hiện, tổng sản lượng măng cụt ước đạt 36.000 tấn mỗi năm.
Đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, song so với các loại trái cây đặc sản khác của nước ta thì sản lượng măng cụt khá khiêm tốn. Mùa thu hoạch măng cụt chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.