Để cháu gái 2 tuổi ngồi chơi trong chiếc cũi phía sau lưng, bà Thạch Thị Diệu Linh (Bạc Liêu) cắm mặt vào máy se nhang. Từng que nhang thành phẩm, từng bó nhang lần lượt xếp đống bên cạnh người phụ nữ này.
Bà Linh đưa cháu ngoại đi làm cùng vì cô con gái đầu mới sinh nên không thể chăm con ở nhà. Con gái út 14 tuổi đang ngồi cách bà vài mét, cũng se nhang để kiếm thêm thu nhập. Nghề làm nhang nuôi sống cả gia đình.
Xưởng nhang trả cho bà Linh từ 100.000-150.000 đồng/ngày tùy khối lượng sản phẩm. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Thời gian này, bà tăng ca, ngồi se nhang đến 21h tối mới về vì muốn kiếm thêm tiền tiêu Tết. Tính ra, 1kg nhang thành phẩm bà được trả 3.000 đồng tiền công.
Bà Thạch Thị Diệu Linh mang theo đứa cháu 2 tuổi tới cơ sở sản xuất nhang (ảnh: Trần Chung) |
Một cơ sở sản xuất nhang tại xã Lê Minh Xuân sáng đèn liên tục, chạy hàng Tết (ảnh: Trần Chung) |
Anh Lê Văn Gần (Tiền Giang) làm công và chấp nhận ăn ngủ tại xưởng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Hơn 10 năm làm nghề, do thạo việc, nhanh tay nên trung bình anh thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày.
Bà Linh và anh Gần là những lao động tại các xưởng sản xuất nhang trên địa bàn xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Nhang Lê Minh Xuân được xem là làng nghề lâu đời nhất TP.HCM và một trong những địa danh sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam Bộ.
Cận Tết, “xứ sở” của những cây nhang này sáng đến từ sáng tới tối, cả trăm nóc nhà sản xuất với cường độ cao để cung cấp hàng ra thị trường.
Gia đình ông Đường Quang Diên làm (huyện Bình Chánh) gia công cho chủ cơ sở nhang, 3 thành viên trong nhà mỗi ngày “cày” từ 4h sáng đến 20h. Họ cho ra lò khoảng 150kg nhang thành phẩm và trả khoảng 600.000 đồng/ngày. Làm đến 16 tiếng/ngày như vậy mà hàng vẫn không kịp để bán.
Theo ông Diên, quy trình sản xuất có tăm nhang làm bằng trúc được nhập vào từ miền Bắc. Sau khi nhuộm màu tăm, bột nhang đã chế biến từ bột gỗ cao su sẽ được nén chặt quanh tăm khi đưa qua máy se nhang. Nhang se xong đưa vào lò sấy khô hoặc phơi nắng từ 3-4 tiếng mới ra thành phẩm.
Nhang sản xuất nhiều đến nỗi phải đánh dấu bằng thẻ tên để trả tiền công (ảnh: Trần Chung) |
Xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh được là một trong những địa phương sản xuất nhang nhiều ở khu vực phía Nam (ảnh: Trần Chung) |
Chủ Cơ sở sản xuất nhang Cô Phước - anh Huỳnh Hoàng Minh - cho biết, Tết Nhâm Dần cơ sở này tăng lượng cung ứng hàng ra thị trường. Với gần 30 nhân công tại chỗ, xưởng sản xuất liên tục tới 30 tháng Chạp mới nghỉ. Diện tích sản xuất tại xưởng không đủ chỗ, anh còn phải thuê thêm nhiều gia đình ở xã làm gia công.
Trung bình, xưởng xuất đi 3 tấn nhang/ngày về tiêu thụ tại TP.HCM, Bến Tre, Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương,...
Xưởng làm nhiều loại nhang đến nỗi chính anh còn Minh không nhớ nổi đầu thành phẩm. Hiện, nhang vàng là loại nhang bán được nhiều và ưa chuộng nhất. Các màu tăm nhang khác nhau như hồng, tím, vàng, trắng... tùy từng nơi đặt mà xưởng sẽ sản xuất theo yêu cầu. Nhang xuất xưởng có giá từ 25.000-40.000 đồng/kg tùy độ dài thân nhang.
Anh Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty nhang Ánh Sáng, lại tập trung vào hướng xuất khẩu. Mỗi dịp Tết, công ty xuất 4 container hàng/tháng, mỗi container là 28 tấn, giá 23.000 đồng/kg nhang. Thị trường Ấn Độ và Trung Quốc tiêu thụ hơn 100 tấn nhang mỗi tháng của DN.
Nhang xuất khẩu được bạn hàng yều phải 100% tự nhiên, nhang có màu trắng thuần, không tẩm màu như nhang nội địa. Thời gian xuất hàng đi Trung Quốc mất khoảng 5 ngày, còn đi Ấn Độ là từ 7-20 ngày. Chỉ cần khách đặt hàng, sau khoảng 2 tuần là có hàng cung cấp.
Các thợ se nhang làm mười mấy tiếng mỗi ngày để tăng thu nhập Tết (ảnh: Trần Chung) |
Ngoài nhang vàng là chính, nhiều cơ sở còn sản xuất nhang đủ màu theo yêu cầu khách đặt (ảnh: Trần Chung) |
Nhang thành phẩm ở xã Lê Minh Xuân không chỉ cung cấp nội địa mà còn xuất khẩu (ảnh: Trần Chung) |
Trần Chung
Nghề cực khổ: Đứng 10 tiếng xuyên nắng trưa, kiếm 300 ngàn tiêu Tết
Công việc hái lá mai nghe tưởng đơn giản nhưng cần những kỹ năng nhất định. Thợ bứt lá nhanh tay, không được làm gãy nụ mai. Đồng thời, họ cũng phải chịu được nắng nóng nhiều giờ liên tục.