Trong sự kiện AWS re:Invent được tổ chức mới đây tại Mỹ, nhiều công nghệ và nền tảng mới dựa trên điện toán đám mây đã được tung ra và dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Một trong số đó là mạng 5G riêng (Private 5G) đã được AWS giới thiệu ra thị trường, và được dự báo trở thành xu hướng mới mẻ trong việc xây dựng nhà máy thông minh, đô thị thông minh.
Tại sao 5G vượt hơn so với Wi-Fi và kết nối có dây?
Ông Adam Selipsky, CEO AWS cho rằng, trong mô hình đô thị thông minh và nhà máy thông minh, rất nhiều thiết bị IoT phải được kết nối với nhau. Ví dụ các thiết bị bên trong một phân xưởng hiện đại gồm dây chuyền, thang tải, rô bốt, máy tính bảng của công nhân... đều cần phải được kết nối vào một mạng Internet.
Ông Adam Selipsky, CEO AWS, cho rằng mạng 5G riêng rất cần cho mô hình nhà máy thông minh trong thời gian tới. (Ảnh chụp màn hình) |
Để xây dựng mạng lưới kết nối thiết bị như trên, hiện nay các doanh nghiệp sử dụng cáp Internet nội bộ hoặc Wi-Fi, tuy nhiên đại diện AWS đánh giá các mạng này ngay từ đầu không được thiết kế để phù hợp với việc kết nối đa thiết bị. Mạng có dây có tính ổn định cao nhưng lại không thể kết nối với các thiết bị di động. Trong khi mạng Wi-Fi giá rẻ nhưng gặp vấn đề về độ phủ.
“Đây chính là lý do vì sao 5G sẽ trở thành kết nối chủ đạo trong thời gian tới, nhất là bên trong các nhà máy, doanh nghiệp”, ông Adam Selipsky dự báo.
5G có ưu điểm có thể kết nối hàng chục ngàn thiết bị cùng lúc với tốc độ cao, băng thông rộng, độ trễ thấp.
Tuy vậy, việc thiết kế, xây dựng, triển khai mạng 5G rất phức tạp đối với doanh nghiệp. Đây là lý do vì sao AWS tung ra mạng 5G nội bộ (AWS Private 5G). Với dịch vụ này, công ty cung cấp cả phần cứng, phần mềm, và cả thẻ SIM cho doanh nghiệp. Tốc độ triển khai sẽ tính bằng ngày, thay vì kéo dài hàng tháng. Thêm vào đó, mạng riêng này sử dụng băng tần chia sẻ nên không cần phải xin phép.
Mạng 5G riêng được xây trên nền tảng đám mây
Dish Network, một công ty cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh tại Mỹ, đã nhanh chóng nhảy vào triển khai mạng 5G riêng, cung cấp dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp. Công ty này xây dựng mạng lưới 5G hoàn toàn trên đám mây của AWS. Ông Marc Rouanne, Phó chủ tịch công ty, cho hay đây là mô hình mới hoàn toàn so với việc xây dựng mạng 5G vật lý như truyền thống.
Theo ông, khi xây dựng các mạng 4G trở về trước, các nhà mạng thường định hướng theo sự phát triển của điện thoại thông minh. Tuy nhiên khi xây mạng 5G riêng, công ty ông nhắm vào máy móc và con người.
“Mạng 5G không chỉ để con người với con người giao tiếp với nhau mà còn để máy giao tiếp với máy, và để con người điều khiển máy móc”, ông Marc Rouanne giải thích. Với mạng 5G, con người có thể điều khiển rô bốt, xe hơi, hay cả máy bay không người lái. Công nghệ này sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao trong nhiều ngành trong thời gian tới.
Đối với mạng 5G riêng của Dish, ông Rouanne cho hay nó sẽ được tuỳ chỉnh cho từng khách hàng riêng lẻ, tương tự cách các chợ ứng dụng hiện nay đang hoạt động. Điều này có được là do mạng được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây.
“Sẽ không thể có một mạng phù hợp với tất cả mọi người”, ông Rouanne phát biểu. Mỗi doanh nghiệp có yêu cầu khác nhau về tốc độ và băng thông, do đó mạng 5G riêng có thể được tuỳ chỉnh để đáp ứng các nhu cầu khác nhau.
Mạng 5G riêng có thể phân thành các mạng lưới con để cung cấp cho một doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp tiếp tục cung cấp dịch vụ đến khách hàng cuối.
Mạng 5G riêng có thể phân thành các mạng con để phục vụ từng khách hàng riêng lẻ. (Ảnh chụp màn hình) |
Có 3 ưu điểm của việc triển khai mạng 5G riêng trên nền tảng đám mây. Đầu tiên, mô hình này được xây dựng theo định hướng dữ liệu (data centric). Dữ liệu được lưu trữ, quản lý và phân tích trên đám mây, do đó có thể tận dụng các tiện ích do các nhà cung cấp dịch vụ đám mây mang lại.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp cần xây dựng mạng 5G riêng cho phân xưởng, cho các phương tiện giao thông của công ty, và cho khách hàng, thì các dữ liệu này được lưu trữ tại cùng một nơi để có thể tổng hợp và phân tích, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh tối ưu, nhằm gia tăng tính cạnh tranh và tăng cường chất lượng dịch vụ.
Tiếp theo, mạng 5G riêng này có thể được mở rộng quy mô nhanh. Khi doanh nghiệp yêu cầu, nhà cung cấp có thể dễ dàng tăng cường thiết bị để mở rộng vùng phủ sóng, gia tăng dung lượng lưu trữ dữ liệu, hoặc mở rộng băng thông,... Kèm với đó, có thể cung cấp thêm các dịch vụ phân tích dữ liệu, áp dụng trí tuệ nhân tạo, hoặc cung cấp nền tảng máy học. Điều này nhờ vào khả năng tự động hoá và tự điều chỉnh các dịch vụ của đám mây.
Ưu điểm của mạng 5G nội bộ cũng giúp doanh nghiệp thực hành điện toán biên, giúp tăng cường khả năng xử lý dữ liệu gần với thiết bị IoT nhất.
Ông Marc Rouanne đánh giá mô hình mạng 5G riêng sẽ rất tiềm năng trong tương lai nhờ khả năng dễ triển khai, dễ mở rộng quy mô, và có thể cá nhân hoá theo yêu cầu từng khách hàng doanh nghiệp.
Xu hướng đầu tư 5G vào nhà máy thông minh tại Việt Nam
Các nhà mạng tại Việt Nam đã được cấp phép thử nghiệm 5G từ năm 2019, hiện đang phủ sóng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Bộ Thông tin & Truyền thông đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 2.300 - 2.400 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Theo đó, việc quy hoạch băng tần 2.300 - 2.400 MHz, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đấu giá để có băng tần triển khai mạng 5G.
Do chi phí đầu tư cho 5G rất lớn, các nhà mạng và hoạch địch chiến lược vẫn đang nghiên cứu xem nên phổ cập mạng tốc độ cao này vào lĩnh vực nào tại Việt Nam để hiệu quả. Một số lĩnh vực được nhắc đến gồm nông nghiệp chính xác, giáo dục số, y tế, khám chữa bệnh từ xa, phẫu thuật, logistics.
Các lĩnh vực sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, cụ thể như khai thác mỏ và cảng cũng được nhấn mạnh tầm quan trọng do chúng đã được áp dụng trên thế giới.
Việc tập trung 5G vào nhà máy thông minh chắc chắn đã được nghĩ tới tại Việt Nam. Hồi đầu năm nay, mạng 5G đã được triển khai tại Khu công nghiệp Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đây là khu công nghiệp đầu tiên trong cả nước được triển khai mạng viễn thông 5G, nhằm đón đầu xu hướng 5G, áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng trong sản xuất.
Tại sự kiện khai trương, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phan Tâm cho biết, việc thử nghiệm mạng viễn thông 5G tại Khu công nghiệp Yên Phong giúp sớm xây dựng hạ tầng số hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp, đặc biệt tạo dựng khu công nghiệp có hạ tầng tiên tiến, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ trưởng cũng đề nghị Viettel phối hợp cùng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng hạ tầng 5G với đầy đủ các tính năng, sẵn sàng làm nền tảng, tạo không gian các doanh nghiệp hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo, thử nghiệm các mô hình nhà máy thông minh, tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững. Bên cạnh việc thiết lập hạ tầng mạng 5G, Viettel cần phối hợp các doanh nghiệp triển khai các giải pháp chuyển đổi số, giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tận dụng cơ hội, ứng dụng vào trong sản xuất.
Việc phủ sóng 5G tại khu công nghiệp Yên Phong I, Bắc Ninh là bước đi nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ Thông tin & Truyền thông trong việc triển khai 5G tại những khu vực có nhu cầu cao như khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Hải Đăng
Doanh nghiệp Việt ứng dụng đám mây để chuyển đổi số
Ngành tài chính đang dẫn đầu về xu hướng sử dụng đám mây nhưng các doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng tích cực sử dụng nền tảng này để chuyển đổi số.