Chính phủ Mỹ đã bắt đầu bán đấu giá các khối tần số vô tuyến được sử dụng cho mạng kết nối 5G. Theo Nature, những tần số này nằm gần với mức mà các vệ tinh đang sử dụng để quan sát Trái Đất, và các nhà khí tượng học bắt đầu lo lắng về việc mạng 5G có thể gây trở ngại cho việc thu thập dữ liệu của họ.
Công nghệ 5G vẫn đang trong quá trình thương mại hoá tại Mỹ. Ảnh: Washington Post. |
Trừ khi các cơ quan quản lý hoặc công ty viễn thông thực hiện việc giảm nhiễu sóng 5G, vệ tinh quan sát Trái Đất bay trên các khu vực của Mỹ sẽ không thể xác định được độ ẩm tầng khí quyển. Các nhà khí tượng học cần sự chính xác của thông tin này để đưa ra những dự báo cho thời tiết trên khắp thế giới.
“Đây là một vấn đề toàn cầu”, Jordan Gerth, nhà khí tượng ở Đại học Wisconsin-Madison cho biết.
Các cơ quan quản lý dịch vụ 5G từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập hợp tại Sham el-Sheikh, Ai Cập, vào ngày 28/10 tới nhằm thống nhất một bản ghi nhớ quốc tế về những tần số cụ thể được dùng cho công nghệ kết nối mới này, đảm bảo trong mức kiểm soát được so với tần số của các vệ tinh.
Các nhà khoa học, thiên văn học và khí tượng học từ lâu đã phải chia sẻ một số tần số vật lý với các ngành khác ngoài nghiên cứu. Đôi khi việc chuyển đổi giữa các tần số khác nhau là điều cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ xung đột tín hiệu có thể xảy ra.
“Nhưng đây là lần đầu tiên viên ngọc quý của ngành khí tượng (ý chỉ thông tin độ ẩm khí quyển) bị đe doạ - đây là thứ chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá”, Stephen English, nhà khí tượng tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Medium Range nói.
Hơi nước trong khí quyển sẽ phát ra một số tín hiệu nhỏ tại tần số 23,8 GHz. Các vệ tinh, như tàu thăm dò MetOp của châu Âu, theo dõi năng lượng toả ra từ Trái Đất ở tần số này để đánh giá độ ẩm của môi trường bên dưỡi bầu khí quyển.
Các phép đo có thể được thực hiện cả ngày lẫn đêm. Những nhà khí tượng sẽ đưa dữ liệu này vào các mô hình lý thuyết để dự đoán bão cũng như sự tiến triển của thời tiết trong tương lai gần.
Hình ảnh cho thấy độ ẩm trong tầng khí quyển phía khu vực Bắc Mỹ. Ảnh: NOAA/GOES. |
Tuy nhiên, một trạm truyền 5G có thể tạo nên tín hiệu gần giống như tín hiệu hơi nước. “Chúng tôi sẽ không thể biết được những thông tin truyền về từ đâu”, ông Gerth giải thích. Những dự báo thời tiết sẽ ít chính xác hơn nếu các nhà khí tượng áp dụng những nguồn dữ iiệu xấu vào mô hình lý thuyết của họ.
Uỷ ban Viễn thông Liên bang Mỹ hiện thực hiện việc đấu giá hai khung tần số: từ 24,25-24,45 GHz và 24,75-25,25 GHz. Khó khăn hiện tại là những thiết bị viễn thông không dây ở gần mức dưới của các tần số này có thể gây trở ngại cho phép đo độ ẩm ở 23,8 GHz. Uỷ ban trên đã không trả lời những yêu cầu bình luận của trang Nature về vấn đề này.
NASA cho biết đã hoàn tất một nghiên cứu về tác động của các mức độ nhiễu khác nhau, nhưng chưa chính thức công bố dù đã có yêu cầu từ Quốc hội. Một báo cáo năm 2010 của Viện Hàn lâm Khoa học, Y học & Kỹ thuật Quốc gia đã kết luận rằng tín hiệu sai có thể loại bỏ 30% mức độ chính xác của dự báo thời tiết toàn cầu.
Việc không có dữ liệu khí quyển từ Mỹ có thể ảnh hưởng đáng kể đến các dự báo về châu Âu, nơi thời tiết thường theo xu hướng tương tự thời tiết ở Mỹ 3-4 ngày trước đó.
Uỷ ban Viễn thông Liên bang sẽ bắt đầu phiên đấu giá tần số 5G tiếp theo, là cuộc đấu giá lớn nhất trước nay, vào tháng 12. Ba dải tần số vệ tinh khác đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng sau buổi đấu giá này - một trong số đó được sử dụng để truyền dữ liệu về lượng mưa, lượng băng trên biển và mây.