Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài năm 2019. Báo cáo cho thấy, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài năm 2019 đạt hơn 528 triệu USD, tăng 10,7% so với năm 2018.

Các doanh nghiệp có vốn chuyển ra lớn nhất năm 2019 là Tổng công ty Đầu tư quốc tế Viettel chuyển 161,6 triệu USD thực hiện dự án tại Myanmar; Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí chuyển 38,9 triệu USD thực hiện dự án thăm dò khai thác lô PM 304 tại Malaysia và 33,2 triệu USD thực hiện dự án thăm dò dầu khí tại Angieri,...

Lợi nhuận chuyển tiền về nước năm 2019 đạt hơn 313 triệu USD, trong đó lớn nhất là các dự án khai thác dầu khí tại Nga của PVN (hơn 170 triệu USD), dự án kinh doanh mạng viễn thông của Viettel tại Campuchia (22,1 triệu USD), tại East Timor (6,3 triệu USD), Lào (5,8 triệu USD)...

{keywords}
Doanh nghiệp tư nhân đang dẫn đầu xu hướng đầu tư ra nước ngoài.

Lũy kế đến hết năm 2019 có hơn 1.300 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 20,6 tỷ USD. Trong đó, có 5 doanh nghiệp có vốn đăng ký vượt 1 tỷ USD là PVN, Viettel, Tập đoàn Cao su, Hoàng Anh - Gia Lai, Golf Long Thành. Tổng vốn đã chuyển ra nước ngoài là gần 9,5 tỷ USD.

Trong năm 2019, địa bàn đầu tư đa dạng hơn, hướng đến các đối tác phát triển. Các dự án tập trung tại một số địa bàn như Australia, Mỹ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Myanmar,... Đầu tư tại Lào, Campuchia có tăng nhẹ nhưng vẫn trong xu hướng chững lại do chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh của nước sở tại không thuận lợi.

Lĩnh vực đầu tư đã có sự chuyển biến về chất, hướng đến các giá trị gia tăng cao hơn và các thị trường phát triển. Số lượng các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và dịch vụ, xây dựng, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin,... gia tăng. Trong khi, các lĩnh vực khoáng sản, thủy điện, trồng cây công nghiệp,... đều giảm.

Đặc biệt, năm 2019, 100% số lượng dự án mới đầu tư ra nước ngoài do các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần thực hiện. Trong đó, xu hướng cá nhân đầu tư ra nước ngoài gia tăng. Không có dự án đầu tư ra nước ngoài nào của doanh nghiệp nhà nước.

Ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần lớn trong nước như Vingroup, Vietjet, Thaco, FPT, T&T, Vinamilk, TH True Milk,... đầu tư ra nước ngoài, sang cả các nước phát triển nhằm mở rộng thị trường, khẳng định quy mô và thương hiệu của mình ra thế giới.

Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Cảnh báo những dấu hiệu bất thường

Bên cạnh ghi nhận những mặt tích cực, Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo như dấu hiệu đáng lo.

Tình trạng cho vay đầu tư ra nước ngoài gia tăng. Một số dự án có tỷ lệ vốn vay ngân hàng trong nước khá lớn để đầu tư ra nước ngoài. Do vậy, Bộ này lưu ý cần phải có sự rà soát, bảo đảm hiệu quả và an toàn cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cảnh báo xuất hiện một số rủi ro khi đầu tư vào một số địa bàn có xung đột hoặc nguy cơ xung đột quân sự, các địa bàn có chế độ chính trị - xã hội không ổn định như Venezuela, Iran, Iraq, Ukraina hay có rủi ro về pháp lý như Cameroon, Tanzania,... hoặc một số “thiên đường thuế” như BVI, Cayman Islands, Panama, Man,...

“Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định các điều kiện cụ thể để hạn chế hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các địa bàn này", theo Bộ KH-ĐT.

Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại một số địa bàn và lĩnh vực đã xuất hiện một số rủi ro về pháp lý, có nguy cơ dẫn đến các vụ kiện, tranh chấp quốc tế, như ở một số nước châu Phi (Cameroon, Tanzania,...) và các lĩnh vực dầu khí, viễn thông,... Xu hướng đầu tư vào các địa bàn nêu trên đang giảm dần, nhưng cần có giải pháp để đảm bảo an toàn cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản giao Bộ này đánh giá 10 năm thực hiện Đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 20/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng định hướng đầu tư ra nước ngoài đến năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2020.

Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, quy định rõ các điều kiện được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và đầu tư ra nước ngoài; hồ sơ, quy trình, thủ tục quyết định đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT đánh giá tình hình đầu tư ra nước ngoài của các ngân thương mại; Rà soát tình hình vay và cho vay để đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm thủ tục đúng quy định về cơ chế cho vay nói chung và cơ chế cho vay bằng ngoại tệ nói riêng...

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT và các Bộ, ngành liên quan rà soát đề xuất danh mục một số địa bàn nhạy cảm, rủi ro để cảnh báo, lưu ý doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường các biện pháp ngoại giao nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thủ tục pháp lý bảo hộ đầu tư, quyền và lợi ích hợp pháp của các DN, đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí, Viettel, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Hóa chất,... tại một số địa bàn phức tạp hoặc nhạy cảm như châu Phi, châu Mỹ Latinh, Lào, Campuchia, Myanmar... nhằm hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư ở các địa bàn này. 

Lương Bằng

PVN chuyển ra nước ngoài tỷ USD: Thua lỗ, nguy cơ mất vốn

PVN chuyển ra nước ngoài tỷ USD: Thua lỗ, nguy cơ mất vốn

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.