(VEF.VN) - Ăn thịt thú rừng quý hiếm đang là mốt của nhiều người. Đây dường như là một kiểu để chứng tỏ đẳng cấp của các đại gia lắm tiền nhiều của.
Tuy nhiên, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và gây tàn phá thiên nhiên đến mức đáng lo ngại.
Những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh "thần kỳ" của một số loài động vật quý hiếm khiến chúng càng bị săn lùng. Nhiều người không tiếc tiền để chi ra có khi tới cả trăm triệu đồng để được thưởng thức những loại thịt thú rừng quý hiếm. Nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đưa lên bàn nhậu, bàn tiệc từng ngày, từng giờ với những cách thức vô cùng man rợ.
Trong những ngày qua, cư dân mạng và dư luận rất bức xúc trước loạt ảnh của một nhóm thanh niên giết voọc chà vá được tung lên Facebook. Những tấm ảnh ghi lại cảnh nhóm thanh niên này đang làm thịt, hành hạ hai con voọc chà vá một cách rất dã man. Họ mổ bụng, xẻ thịt, thui lửa, dùng xương nấu cao... Cơ quan điều tra đã xác định nhóm thanh niên tham gia hành hạ, giết thịt 2 cá thể voọc chà vá là quân nhân thuộc Trung đoàn 7, đang làm nhiệm vụ tại Kon Tum.
Vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng săn bẫy và giết thịt các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam. Theo Sách đỏ Việt Nam, mỗi năm voọc chà, voọc đen, voọc mũi hếch... chỉ đẻ một con. Đây đang là loài thú rừng bị con người săn lùng, giết hại bạo tàn nhất. Dù biết rằng săn bắn voọc là phạm pháp, thậm chí có thể bị đi tù, nhưng vì món lợi nhuận khổng lồ mà chúng đem lại và vì thú vui chi tiền không tiếc tay của các đại gia mà số phận những con voọc vẫn đang bị đe dọa.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cho biết trên Khám phá, một thực tế đáng buồn là tại nhiều tỉnh miền Trung, tình trạng bẫy voọc diễn ra vô cùng phổ biến. Trung bình mỗi người sẽ làm khoảng 300 - 500 cái bẫy. Mà khi bẫy sẽ bẫy hết cả đàn. Đội thợ săn được trả lương rất cao để làm việc này.
Nhiều người đồn nhau rằng, voọc là thuốc quý để chữa bệnh, nên phải ăn sống mới bổ. Vì vậy, ngay sau bắt voọc về, nhiều người không ngại giết sống con voọc bằng cách bửa sọ, lột da và moi cả trái tim còn đang thoi thóp để ngâm rượu. Song, trên thực tế, chưa ai chứng minh được tác dụng chữa bệnh của loài động vật này.
Bên cạnh loài voọc, gấu là loài vật cũng bị săn lùng ráo riết. Do vậy, gấu hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam. Trên cả nước, ước tính số gấu nuôi nhốt còn khoảng hơn 3.000 cá thể.
Từ những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh "thần kỳ" của tay gấu, mật gấu... mà loài vật này đang bị tàn sát, khai thác không thương tiếc. Người ta khai thác, giết hại gấu bằng nhiều cách thức dã man. Kinh khủng nhất là hình ảnh những con gấu đau đớn quằn quại mỗi khi bị hút mật sống. Không chỉ bị lấy mật, gấu còn bị giết hại để lấy thịt, tay, chân. Một số nơi, thịt gấu và rượu từ mật gấu là những món ăn xa xỉ để đãi khách.
Theo kết quả khảo sát vừa được công bố mới đây của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), không chỉ dân thành phố mà 30% số người được khảo sát tại nông thôn cũng sính sử dụng mật gấu với mục đích tăng cường sức khỏe, chữa trị vết thương. Tuy nhiên, cơ quan y tế đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, mật gấu không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn gây hại đến sức khỏe người dùng. Nhiều người do dùng quá nhiều rượu pha mật gấu, đã tử vong vì suy gan, suy thận.
Ở Việt Nam, hổ cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Tiết hổ thường được cánh đàn ông pha lẫn với rượu và uống như một món đồ bồi bổ dương khí. Những chiếc nanh hổ cũng bị nhổ ra đem bán cho những đại gia thích sưu tập với giá cả chục triệu đồng. Còn thịt hổ được chế biến thành nhiều món nhậu hoặc nấu cao.
Những lời đồn thổi về tính năng "cải tử hoàn sinh", "biến le le thành đại bàng dũng mãnh chốn phòng the", "trị bá bệnh"... của cao hổ cốt khiến nhiều người phải "săn" cho kỳ được vài lạng cao hổ cốt để "pha chế" trong bàn tiệc, chứng tỏ đẳng cấp với thiên hạ. Việc mua, bán, tiếp thị loại cao này cũng khá rầm rộ trên mạng cũng như tại các nhà hàng, quán nhậu. Giá cả thì cũng thật phong phú, từ 20 - 30 triệu đồng/lạng cho đến giá "siêu rẻ" chỉ chừng vài ba triệu đồng. Tuy nhiên, rất nhiều người đã mua phải cao hổ giả khiến tiền mất mà tật vẫn mang.
Do lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng chấp nhận "rủi ro", lén lút buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ ngay ở Thủ đô. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến năm 2010, lực lượng công an TP. Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ, với nhiều đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, xẻ thịt... hổ, thu giữ gần 20 cá thể hổ, trong đó có 2 cá thể hổ sống.
Hạnh Giang (tổng hợp)