Ông Đỗ Văn Hài (Gia Lâm, Hà Nội), chủ nhân tác phẩm đa dáng làng cho biết, đây là một tác phẩm quý, toàn bộ bệ rễ ôm đá, tay cành đã hoàn thiện, xung quanh thân cây có những rễ buông thẳng từ các cành lớn xuống dưới nhìn rất tự nhiên
Giới chơi cây cảnh đánh giá đây là cây đa độc đáo nhất Hà Nội bởi để tạo tác một cây đa nhìn ưng mắt khó gấp nhiều lần cây sanh. Đã có rất nhiều đại gia muốn sở hữu nhưng chủ nhân chưa bán
Tác phẩm có tuổi đời khoảng 70 năm, ông Hài mất 20 năm tạo tác
Theo ông Hài, để tạo một cây đa khó gấp nhiều lần cây sanh, người nghệ nhân phải tốn rất nhiều công sức. Cây sanh có nhiều cách làm nên nhiều dáng thế nhưng cây đa khó làm nên chỉ có dáng làng (dáng tự nhiên) là đẹp nhất, chủ nhân tác phẩm cho hay
Ông Hài cho biết, màu da của cây đa thường xanh và xỉn màu nhưng cây đa này màu da rất sáng, da (vỏ cây) vàng như da cây sanh. Ngoài gốc cây ôm đá, điểm trên thân cây còn ôm một chậu đá để tạo sự già cỗi cũng như sự chắc chắn cho cây
Tạo tác bông tán cây đa cũng rất khó vì lá đa lớn. Chính vì vậy người nghệ nhân thường để tự nhiên và chỉ uốn tay cành sao cho người xem cảm tưởng không có sự tác động của con người
Ngoài điểm nhấn là các rễ phụ thẳng nối bệ rễ với các cành, người nghệ nhân còn tạo thêm một cành rơi cho cây mềm mại
Bệ rễ trắng trườn theo đá lên cao dần nhìn như một dòng suối. Trải qua thời gian cùng với sự kiên trì của người nghệ nhân, các rễ đã đan xen vào nhau, ôm chặt vào các mỏm đá
Nhiều rễ cây đã nứt vì cây quá già
Một điểm đặc biệt của tác phẩm có một số tay cành lớn được uốn như tay cành cây sanh. Các điểm cắt, đục đã liền sẹo nên nhìn cây rất sạch sẽ
Các tay cành lớn nối từ thân cây cũng đã múp sẹo. Theo ông Hài, cây làm mất nhiều thời gian, dòng cây đa lá lông quý nên giá trị chuyển nhượng vào khoảng 2 tỷ đồng
Đây là dòng đa lá lông - lá có rất nhiều lông như lá mơ chứ không phải dòng đa lá trơn, đa núi. Ông Hài cho biết, dù biết tạo tác đa khó nhưng vẫn cứ làm để vườn cây thêm đa dạng
(Theo Dân Trí)