- Cúng giao thừa là nghi lễ quan trọng của người Việt Nam trước khi Tết Nguyên Đán chính thức bắt đầu. Vậy mâm cỗ giao thừa năm Mậu Tuất 2018 gồm những gì?

Nguồn gốc lễ giao thừa (lễ trừ tịch)

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn), cúng giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

{keywords}
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: Nhật Linh

Lễ trừ tịch thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức đúng 12 giờ đêm hôm 30 tháng Chạp.

Người Việt tin rằng, mỗi một năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới.

Thế nên lễ giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân” tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới.

Đây chính là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no.

Sắp dọn bàn thờ

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà. Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ người đã khuất.

Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. 

Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng.

Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ

Mâm cỗ cúng đêm giao thừa gồm có: Hương, đăng, trà, nước. Đăng là 2 cây đèn hoặc 2 cây nến để tượng trưng cho mặt Trăng, mặt Trời. Nước phải là nước trong, nước sạch hoặc có thể dùng một chút rượu. 

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, người ta vẫn dùng gà trống để cúng. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt trời.

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian cho hay: "Một số người quan niệm năm con gì thì cúng con đấy. Ví dụ: năm Dậu cúng gà, năm Sửu cúng trâu... Quan điểm này không đúng, bởi theo tục lệ chỉ cần có thịt động vật trên mâm cỗ là được. Nếu những năm rơi vào tuổi Thìn (con rồng) là con vật không có thật thì lấy đâu ra rồng để cúng".

Thêm vào đó, có thể đặt vào mâm lễ những sản vật khác như xôi, bánh chưng, bánh kẹo, mứt, hoa tươi… Ngoài ra lễ vật có ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét - miền Nam), bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết.

Cỗ mặn gồm: Bánh chưng, giò - chả; xôi gấc, thịt gà; xôi đậu xanh; các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình.

Cỗ ngọt và chay gồm: hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo; mứt Tết; rượu/bia và các loại đồ uống khác.

Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn (đọc văn khấn). Khi cúng giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong năm mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.

Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.

Sau đó mới cúng ngoài trời, mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người Nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại Thiên đình và đón vị mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản Hạ giới năm tới.

Có cần lễ trong nhà?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, theo tục lệ dân gian, cúng giao thừa người ta sẽ tiến hành cúng ngoài trời, cúng trước cửa nhà hoặc trước sân nhà.

Ngoài việc sửa soạn mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời nhiều nhà còn sửa soạn mâm cơm cúng trong nhà để mời tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết với gia đình. 

Lễ vật cúng trong nhà cũng tương tự như làm cỗ cúng ngoài sân. Tuy nhiên các vị xuất gia cho rằng, lễ ngoài sân hay trong nhà không quan trọng, cái chính vẫn là lòng thành của mỗi gia đình vì trong nhà hay ngoài sân cũng chỉ là để chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Lễ vật to nhỏ không quan trọng mà cái quan trọng nhất vẫn là sự thành kính.

Mọi người lưu ý cách đặt đồ cúng: Dù làm cỗ cúng mặn hay chay cũng nên để ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính.

Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Không nên bày hoa quả quá xanh, hoa quả giả để cúng gia tiên.

Đĩa quả không nên đặt trước chính giữa bát hương vì chắn mất trục khí chính mà nên để ở hai bên để bát hương thoáng. Mâm ngũ quả người miền Bắc và miền Trung thường có chuối, bưởi, hồng, đào, quýt hoặc chuối, ớt, bưởi, quất, lê còn người miền Nam thường gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.

Hoa bày trên bàn thờ cần phải hoa tươi chứ không được dùng hoa giả, hoa nhựa vì theo quan niệm đó là sự giả dối.

Sự kết hợp các loại hoa sẽ làm mất sự thanh thoát, thẩm mỹ. Mọi người cũng không nên cắm “cành vàng lá ngọc” lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.

Ngày mồng một Tết của những người 'quên' giao thừa

Ngày mồng một Tết của những người 'quên' giao thừa

Anh đi sâu vào con hẻm. Sáng sớm mồng một tết chưa nhà nào mở cửa. Dừng lại trước một căn nhà anh mạnh tay mở cửa bước vào.

Bài khấn giao thừa ngoài trời, trong nhà theo 'Văn khấn nôm truyền thống'

Bài khấn giao thừa ngoài trời, trong nhà theo 'Văn khấn nôm truyền thống'

Từ bao đời nay, vào thời khắc giao thừa, người Việt thường cúng lễ ngoài trời và trong nhà.

Nhiều người Việt chưa hiểu đúng về cúng giao thừa

Nhiều người Việt chưa hiểu đúng về cúng giao thừa

Cúng giao thừa là nghi lễ quan trọng của người Việt Nam trước khi Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu.

Nhật Linh - Minh Anh