Malaysia xem xét lại các ưu đãi cho xe điện để trở lại đường đua. |
Thời gian gần đây, các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia liên tục phát triển xe điện. Phạm vi và tần suất của các khoản đầu tư dự kiến vào những quốc gia đó ngày càng gia tăng cho thấy Malaysia đang tụt hậu ở lĩnh vực này, tờ Paultan đánh giá.
Tuy nhiên, Malaysia tin rằng vẫn còn thời gian để bắt kịp. Một báo cáo trước đó cho thấy chính phủ đã nhận thức được tình trạng ngày càng gia tăng trong lĩnh vực xe điện và sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng cách xây dựng chính sách cụ thể cho xe điện, như một phần của kế hoạch sửa đổi Chính sách ô tô quốc gia NAP 2020.
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Maybank Investment Bank Research cho biết, lộ trình cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô Malaysia (nêu trong Chính sách ô tô quốc gia NAP 2020) thiếu rõ ràng. Kế hoạch đã không cung cấp những chi tiết cụ thể về bất kỳ ưu đãi nào cho các doanh nghiệp trong ngành và những dự án ô tô mới.
Các ý kiến cũng cho rằng Malaysia dường như đang tụt hậu trong việc phát triển xe điện so với một số quốc gia trong khu vực, mặc dù từng dẫn đầu trong cuộc đua xe xanh từ năm 2010.
Theo Madani Sahari, Giám đốc điều hành Viện công nghiệp ô tô, Robotics và IoT Malaysia (MARii), Chính phủ Malaysia hiểu tầm quan trọng của điện khí hóa và sẽ điều chỉnh chính sách, đặc biệt đối với phân khúc xe điện nhằm thu hút đầu tư. Vị này cho biết thành phố Putrajaya đã lên kế hoạch đưa ra chính sách cụ thể về xe điện trong quý đầu tiên của năm.
Chủ tịch Hiệp hội ô tô Malaysia (MAA) Datuk Aishah Ahmad cũng nói rằng Chính phủ đang cân nhắc việc thực hiện các hình thức khuyến khích để tăng tốc độ tăng trưởng của xe điện ở Malaysia. "Họ đang xem xét, nhưng vấn đề vẫn chưa được hoàn thiện". Bà cũng cho biết cuộc thảo luận không tính đến các chính sách mà còn cả khía cạnh cơ sở hạ tầng.
Một số nhà đầu tư từng nhận xét chính sách của Chính phủ Malaysia trong lĩnh vực xe điện còn cứng nhắc. Do đó, việc sửa đổi sắp tới được cho là sẽ linh hoạt hơn. Một số ý kiến cho rằng có khả năng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu với ô tô điện sẽ được bãi bỏ. Nhưng câu hỏi đặt ra là chính phủ sẽ bù đắp khoản thuế thiếu hụt như thế nào?
Madani cho biết chính sách mới sẽ giải quyết nhiều vấn đề và trên phạm vi rộng, nhằm đảm bảo những mục tiêu quan trọng của quá trình điện khí hóa. “Nếu chúng ta không tham gia vào lĩnh vực xe điện sẽ có nhiều khía cạnh của công nghệ không được triển khai. Vì vậy, đó là một tổn thất cho Malaysia”, Madani nói.
Hoàng Nam (Theo Paultan)