|
Tại Diễn đàn CNTT Việt Nam - Malaysia diễn ra ngày 24/5, những kinh nghiệm về xây dựng Chính phủ điện tử của Malaysia đã được chia sẻ. |
Theo ông Zalizan Mohamed Noh, Giám đốc phát triển kinh doanh MDEC-công ty trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Malaysia, làm nhiệm vụ cố vấn cho Chính phủ Malaysia về xây dựng Chính phủ điện tử cũng như phát triển CNTT-TT, Malaysia bắt đầu đầu tư vào phát triển Chính phủ điện tử từ năm 1996, với việc lập ra đơn vị chuyên trách, nhằm khuyến khích sự phát triển công nghiệp ICT trong nước và chuyển đổi nền kinh tế sang tri thức, tạo ra được những sản phẩm chất lượng phục vụ người dùng. Việc xây dựng Chính phủ điện tử được tiến hành theo 3 giai đoạn, bắt đầu phát triển hạ tầng từ năm 1996 – 2003, sau đó tiến hành phát triển nội lực từ 2004 – 2010 và từ giai đoạn 2011 – 2020 chuyển sang đem lại giá trị đóng góp vào GDP trong nước và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Để xây dựng được Chính phủ điện tử, Malaysia áp dụng giải pháp đa ngành để triển khai và nước này có tới 1.564 công ty cung cấp các giải pháp đa ngành về lĩnh vực này. Các công ty này sẽ cung cấp giải pháp cho những khách hàng là Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng, dầu khí, an ninh… nhằm kết nối tất cả với nhau tạo thành một hệ thống. Chính cách làm này đã thúc đẩy CNTT –TT của nước này phát triển mạnh, cũng như việc phát triển Chính phủ điện tử trở nên nhanh chóng và cuối năm 2010, Malaysia vươn lên đứng thứ 12 trong danh sách khảo sát về Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.
Hiện tại Malaysia có 37% dịch vụ công trực tuyến, hàng năm có 115 triệu lượt giao dịch và có tới 8.800 cơ quan công quyền đã kết nối vào hệ thống dữ liệu của Chính phủ điện tử.
Điểm đáng chú ý là viễn thông đóng vai trò mấu chốt trong việc phát triển Chính phủ điện tử ở Malaysia, khi số lượng giao dịch các dịch vụ bằng điện thoại chiếm phần lớn. Có tới 14,6 triệu lượt truy cập các dịch vụ Chính phủ điện tử thông qua hệ thống SMS, với cổng mymobile người dân chỉ cần chuyển tin nhắn đến đầu số quy định, có thể thực hiện đầy đủ các yêu cầu như tải tài liệu, xem văn bản mới, thực hiện giao dịch và thậm chí có thể khiếu kiện về dịch vụ nếu mình không vừa lòng. Tiện lợi hơn nữa là khi thanh toán chi phí dịch vụ này người dân cũng chỉ cần dùng điện thoại di động để thanh toán qua hệ thống myBayar chứ không phải ra ngân hàng hay thực hiện các thủ tục thanh toán một cách phức tạp.
Điểm đáng nói nữa là toàn bộ hệ thống Chính phủ điện tử của Malaysia đều sử dụng việc lưu trữ dữ liệu thông qua hệ thống điện toán đám mây, đảm bảo về an ninh, bên cạnh đó các khung pháp lý cũng được đưa ra đầy đủ để quản lý.
Nói về việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, ông Zalizan Mohamed Noh cho biết, 27 công ty của Malaysia có mặt tại diễn đàn sẵn sàng đưa ra các tư vấn, giải pháp cho các doanh nghiệp, cũng như Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống chính phủ điện tử cũng như thúc đẩy CNTT – TT phát triển một cách hiệu quả nhất.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao những thành công của Malaysia trong xây dựng Chính phủ điện tử và bày tỏ hi vọng diễn đàn sẽ góp phần tăng cường các hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại nhằm khai thác thị trường không chỉ ở Việt Nam và Malaysia mà còn cả thị trường ASEAN và mở rộng ra thế giới. Về xây dựng Chính phủ điện tử, Thứ trưởng mong muốn hai bên sẽ tiếp tục có những chia sẻ, trao đổi, tăng cường hợp tác để cùng nhau phát triển.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 63 ra ngày 25/5/2012.