Malaysia đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thiết lập phiên tòa quốc tế để xét xử nghi phạm bắn rơi máy bay của nước này tại đông Ukraina hôm 17/7/2014.

Theo Reuters, Malaysia là một trong số 15 thành viên trong hội đồng liên quan tới vụ rơi máy bay MH17, đã trình dự thảo nghị quyết vào chiều muộn ngày thứ Tư vừa qua.

Các nhà ngoại giao cho biết, Malaysia hy vọng nghị quyết này sẽ được thông qua trong tháng Bảy. Dự thảo nghị quyết này do năm bên là Malaysia, Australia, Hà Lan, Bỉ và Ukraina tham gia đề xuất.

Chiếc máy bay dân sự số hiệu MH17 của Hàng không Malaysia bị trúng tên lửa vào tháng Bảy năm ngoái, khiến 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó 2/3 nạn nhân là người Hà Lan.

{keywords}

Một mảnh vỡ của máy báy MH17 tại đông Ukraina. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Nga đã phản đối nghị quyết này. “Tôi không thấy có tương lai nào cho nghị quyết này” – Đại sứ Nga Vitaly Churkin tại Liên Hợp Quốc cho biết.

“Đáng tiếc là, dường như đây là một nỗ lực để tổ chức một màn trình diễn chính trị, phô trương, chỉ nhằm phá hỏng các nỗ lực tìm kiếm những bên phạm tội” – ông Churkin nói.

Nhắc lại vụ đánh bom chuyến bay của Pan Am năm 1988, rơi tại Scotland, ông Churkin nói: “Khi một máy bay của Mỹ là đối tượng của một vụ tấn công khủng bố, rơi xuống vùng lãnh thổ của Scotland, chẳng có ai nêu ra ý tưởng về một phiên tòa quốc tế cả”.

Trong Hội đồng Bảo an, ngoài Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ, Nga cũng có quyền phủ quyết dự thảo. Trong trường hợp đó, nếu Nga phủ quyết thì dự thảo cũng sẽ gặp trở ngại.

Về ‘hung thủ’ bắn rơi MH17, phía Ukraina và các quốc gia phương Tây cáo buộc phe ly khai ở miền đông Ukraina đã khai hỏa bằng tên lửa do Nga chế tạo.

Nga bác bỏ cáo buộc này, nói rằng tên lửa (nghi là BUK) bắn hạ MH17 là loại mà chỉ có Ukraina hiện đang sử dụng, Moscow từ lâu đã không còn sản xuất loại tên lửa này.

Nhóm điều tra đa quốc gia tìm hiểu nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17 do Hà Lan dẫn đầu sẽ công bố báo cáo vào cuối năm nay.

“Chúng ta nên chờ đợi kết quả cuộc điều tra và sau đó hãy nghĩ tới việc làm sao để tiếp cận các tiến trình pháp lý hiệu quả nhất” – Đại sứ Churkin nói thêm.

Lê Thu