Smartphone Việt và sự nghiệt ngã của thị trường
Vào thời kỳ hoàng kim cách đây nhiều năm, các thương hiệu điện thoại Việt ồ ạt ra đời đúng nghĩa: của người Việt làm chủ, do người Việt đầu tư, mang thương hiệu Việt.
Giai đoạn 2009 và 2010, có ít nhất 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh điện thoại di động với thương hiệu riêng. Q-Mobile hay HK-Phone từng “làm mưa làm gió” trên thị trường điện thoại từ bình dân đến thông minh.
Cũng đã có những thương hiệu nhanh chóng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như Q-Mobile của ABTel, F-Mobile của FPT, Mobiistar của P&T, Avio của VinaPhone, Zik 3G của Viettel...
Điện thoại Việt trước sóng ngoại
Các sản phẩm của Việt Nam sản xuất nói chung và Bphone nói riêng không hề thua kém chất lượng.Thế nhưng, sau khi ra mắt một thời gian không dài, các sản phẩm smartphone này lại rơi vào quên lãng.Ra mắt từ năm 2015, BKAV đã giới thiệu tới người tiêu dùng 2 “siêu phẩm” nhưng do nhiều yếu tố mà chúng phải chịu không ít “gạch đá” từ dư luận. Dù vậy, CEO Nguyễn Tử Quảng vẫn quyết tâm sản xuất một chiếc điện thoại thông minh “made in Việt Nam” thực sự từ BKAV.
Ngay từ khi mới ra mắt, Bphone không nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước. Dù giá cả thấp hơn các hãng điện thoại nước ngoài nhưng Bphone vẫn không cạnh tranh được với sản phẩm ngoại quốc khác trên thị trường.
Qua bao năm, đến nay có thể thấy, chỉ còn Viva Lotus của VNPT nhưng không được phổ biến. Viettel có vẻ như đang nghiên cứu để có hướng đầu tư dài hơn, bài bản hơn. Giữa năm 2017, Mobiistar chuyển hướng kinh doanh tại thị trường Ấn Độ, hiện đã ra mắt 9 mẫu điện thoại, đạt tăng trưởng 20%/tháng và đặt kỳ vọng lọt tốp 5 thương hiệu lớn tại thị trường điện thoại nước bạn.
Sau sự xuất hiện và biến mất của các dòng điện thoại thương hiệu Việt trên thị trường, giữa tháng 6/2018, tập đoàn Vingroup tuyên bố sản xuất smartphone với thương hiệu Vsmart. Sau sáu tháng, công ty ra mắt thị trường bốn chiếc điện thoại có giá từ 2,5-6,3 triệu đồng.
Công nghệ của Vsmart được phát triển trên nền tảng tiêu chuẩn cao của châu Âu. Hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất do công ty công nghệ hàng đầu Tây Ban Nha là BQ phát triển.
Diễn biến của thị trường smartphone thế giới không làm doanh nghiệp Việt Nam chùn chân. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với các đối tác hàng đầu thế giới, tìm kiếm các chuyên gia giỏi, đồng thời tiến hành hoàn thiện dây chuyền thiết bị để sản xuất điện thoại”, đại diện VinSmart, cho biết.
Nỗ lực xoá bỏ định kiến
Ông Lê Hoàng Long, nguyên đồng sáng lập thương hiệu điện thoại Việt, từng chia sẻ, hãng đang trên đà phát triển tốt thì điện thoại Trung Quốc xâm nhập vào thị trường nước ta, họ mất thị phần dần dần và phải tuyên bố phá sản.
“Các hãng điện thoại của Trung Quốc có nguồn vốn quá khủng nên họ luôn dùng mọi cách để có thể đập chết các đối thủ khác, cạnh tranh từ giá đến công nghệ. Nếu chúng ta không có hướng đi thận trọng thì sẽ rơi vào kết cục buồn mà thôi”, ông Long chia sẻ.
DN Việt trước cơn lốc ngoại nhập |
Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Sapo, đánh giá, để tạo ra các sản phẩm thương hiệu Việt khó khăn nhất hiện nay đó là khi lựa chọn những thị trường, ngành hàng mà sản phẩm đó vốn dĩ không được sử ủng hộ của người Việt khi đa số có định kiến rằng "phải hàng ngoại mới xịn". Chống lại định kiến đó bằng cách phủ định, phớt lờ nhằm chứng tỏ điều ngược lại, với khẩu hiệu “người Việt dùng hàng Việt” là rất không ăn thua.
Trong trường hợp đó nên nương theo thị hiếu, thói quen của người dùng để xem phần nào Việt hóa được, Việt hóa được bao nhiêu phần trăm, đưa vào chiến lược của người lãnh đạo nhằm tạo ra sản phẩm dẫn dắt thị trường.
Theo ông Tuyến, thị trường biến đổi khôn lường, thị hiếu của người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng. Giờ đây, không còn thời cho những dự án khảo sát kéo dài vài tháng, bởi vừa phân tích, dự báo, đề xuất ý tưởng xong, cơ hội thị trường cũng qua. Vì vậy, tốc độ nhanh là một yếu tố quan trọng, đặc biệt với startup, nguồn lực mỏng, không cho phép sự chậm trễ trong triển khai.
Chuyên gia Nguyễn Dương cho rằng: “Người Việt Nam chưa thể tin tự mình có thể làm ra những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới. Định kiến là một phần của nhận thức, hình thành có lý do của nó, không tự nhiên sinh ra đâu. Người làm thị trường phải coi định kiến là một thực tế và xuất phát từ định kiến chính là xuất phát từ thực tế. Rồi chinh phục khách hàng dần dần bằng sản phẩm chất lượng và dịch vụ như kỳ vọng.”
Theo ông Dương, chiếc điện thoại Vsmart cũng được tạo ra chủ yếu dựa trên các cấu phần đến từ nước ngoài như Tây Ban Nha, Nhật, Mỹ và Hàn Quốc. Vì sao một tập đoàn lớn nhất Việt Nam, có uy tín hàng đầu với người tiêu dùng cả nước lại vẫn chủ yếu dựa vào các tổ chức nước ngoài liên quan đến sản phẩm mà họ làm? Sao họ mạnh thế mà không đối đầu trực tiếp với định kiến “Việt Nam không làm nổi cái ốc vít” bằng cách làm phần lớn hay tuyên bố làm phần lớn?
“Bạn không thể xóa bỏ định kiến bằng cách phớt lờ hay phủ nhận nó dù bạn thích hay không. Định kiến là một phần trong nhận thức của khách hàng và tôi nghĩ Vingroup đã hiểu rõ điều này”, ông nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để các thương hiệu điện thoại Việt tiếp tục tồn tại và phát triển, cạnh tranh với các thương hiệu lớn toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực của chính các nhà sản xuất này rất cần sự hỗ trợ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách.