Ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Cụm từ Make in Vietnam sau đó đã trở thành định hướng và tạo động lực cỗ vũ các công ty công nghệ số Việt Nam. Make in Việt Nam chuyển tải khát vọng chuyển từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động để cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam có thể vươn xa ra ngoài thế giới. Make in Vietnam cũng đặt nền móng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số mà ở đó các doanh nghiệp công nghệ số với sứ mệnh là hạt nhân để đưa Việt Nam bứt phá trong nhóm các nước phát triển vào năm 2045. 

Nhằm cổ vũ, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài, Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2024” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tiếp tục duy trì hạng mục “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài”.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lần thứ hai vinh danh hạng mục này, Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung “doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài nhưng do người Việt sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần” vào đối tượng dự thi.

"Giải thưởng năm trước chỉ dành cho doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, nhưng năm nay sẽ tôn vinh cả những doanh nghiệp do người Việt thành lập ở nước ngoài", TS Nguyễn Thanh Tuyên lý giải.

Bởi trên thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt phát triển được mạng lưới “chân rết” tại đa quốc gia, và mỗi thị trường lại có những sản phẩm, dịch vụ đặc thù để phục vụ nhóm khách hàng riêng.

Đặc biệt, từ khi có chủ trương “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp công nghệ số bắt đầu chú trọng hơn tới việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế. Điển hình như NTQ Solution phát triển hơn 20 sản phẩm “Made by NTQ” hay hệ sinh thái “công nghệ “Made by FPT” được khách hàng ngoại đánh giá cao…

“Bên cạnh chủ trương “Make in Vietnam” – khuyến khích nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, xu hướng “Made by Vietnam” bắt đầu nổi lên từ cuối năm ngoái, đầu năm nay, khi ngày càng đông doanh nghiệp công nghệ số Việt nuôi tham vọng “cắm cờ Việt Nam trên khắp thế giới” bằng các sản phẩm do người Việt nghiên cứu phát triển, sản xuất cả ở trong nước cũng như nước ngoài. “Made by Vietnam” đã và đang được nhiều bộ, ngành như Công Thương, Khoa học và Công nghệ quan tâm, ủng hộ”, ông Tuyên phân tích. 

Với quy định mới trong Giải thưởng “Công nghệ số Make in Vietnam 2024”, FPT Japan, FPT Korea, FPT Malaysia… nếu có sản phẩm xuất sắc có thể gửi thẳng hồ sơ dự thi về Ban Tổ chức, không cần phải thông qua Tập đoàn FPT như trước. 

Những sản phẩm công nghệ số đạt giải cao sẽ tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối, hỗ trợ tham gia giải thưởng quốc tế như Giải thưởng Công nghệ số ASEAN, Giải thưởng Công nghệ thông tin truyền thông Châu Á – Thái Bình Dương…

Minh Yến